Bài 3: Đổi mới phương thức lãnh đạo: Tạo lợi thế để phát triển

Thứ ba, 27/09/2022 10:00
(ĐCSVN) - Trong từng giai đoạn phát triển, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ luôn đổi mới phương pháp lãnh đạo phù hợp với những đòi hỏi từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo cho việc ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chương trình. Đây là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Phú Thọ đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Bài 2: Nghị quyết đúng, trúng lòng dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) năm 2022. (Ảnh: Hương Giang)

Dấu ấn từ sự đổi mới

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Phú Thọ đứng trước cơ hội lớn về thu hút đầu tư, tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế, triển khai nhiều dự án lớn về hạ tầng kinh tế để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Xác định đúng các tiềm năng lợi thế, lần đầu tiên BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 13/10/2021 để thực hiện khâu đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết bao quát toàn diện 5 nhóm mục tiêu, 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp tổng thể. Trong đó, xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với 33 nhiệm vụ trọng tâm, xác định rõ mốc thời gian, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành.

Tại nhiều diễn đàn lớn của tỉnh Phú Thọ, đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhấn mạnh: Việc phát huy vai trò gương mẫu, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm được Tỉnh ủy đề cao trong việc triển khai mọi nhiệm vụ để tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng làm rõ trách nhiệm, phân cấp, đi sâu sát về cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mới phát sinh trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, BCH Đảng bộ tỉnh đã chủ động làm việc với tất cả các Đảng bộ trực thuộc và hầu hết các sở, ban, ngành để nắm bắt tình hình thực tiễn, xác định, định hướng các mục tiêu, nhiệm vụ có tính chiến lược, kịp thời chỉ đạo giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhân dân và doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu làm việc với Huyện ủy Lâm Thao về việc triển khai và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 gắn với lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội (tháng 4/2021). (Ảnh: Hương Giang)

Đặc biệt, trên tinh thần đổi mới, tỉnh đã chỉ đạo phân cấp quản lý cán bộ; phân cấp thẩm quyền cho cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư công cho các dự án nhóm B, C; phân cấp về chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư tư nhân có quy mô dưới 2ha; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra giám sát. Qua đó, góp phần nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Để xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Phú Thọ luôn quan tâm rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, rà soát quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định rõ từng bước công việc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, ký cam kết với nhà đầu tư về tiến độ triển khai” - ông Trịnh Thế Truyền - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết.

Năm 2021, lần đầu tiên Phú Thọ thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; các huyện, thành, thị cũng thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của địa phương. Tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung cao độ đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án trọng điểm. Trong đó, phải đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành; người đứng đầu các đơn vị, địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Với phương châm “giải quyết khó khăn cho từng dự án”, Ban Chỉ đạo các huyện, thành, thị đã lựa chọn dự án trọng điểm thuộc nhóm dự án xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư nông thôn mới; xây dựng hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phân công lãnh đạo UBND huyện phụ trách theo dõi, chỉ đạo từng dự án; tăng cường thực hiện kiểm tra, đôn đốc giám sát, kiểm điểm hằng tuần đối với công tác giải phóng mặt bằng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đã dành nhiều thời gian xuống các địa phương nơi có dự án đi qua nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Cán bộ, đảng viên huyện Yên Lập (Phú Thọ) học tập trực tuyến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: Hương Giang)

Coi việc sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, do đó, Phú Thọ đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2022.

Đồng chí Vi Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị đã chủ động, linh hoạt trong tổ chức học tập Nghị quyết, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế. Tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa sử dụng tuyên truyền miệng với ứng dụng công nghệ thông tin, giữa trực tiếp và trực tuyến; phân công đảng viên thuộc lĩnh vực nào thì tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu ở lĩnh vực đó…

“Đặc biệt, lần đầu tiên hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức hình thức trực tuyến với hơn 300 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể; trên 40.000 đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh được tham gia học tập. Hội thi Báo cáo viên giỏi về Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII được tổ chức triển khai trên địa bàn toàn tỉnh với sự tham gia của 2.780 báo cáo viên, tuyên truyền viên, trong đó có nhiều đồng chí là bí thư, phó bí thư các đảng bộ cơ sở. Qua đó, tạo sức lan tỏa trong thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vi Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Cụ thể hóa Nghị quyết, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, người dân chung tay thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Từ đó dần gỡ “nút thắt”, tạo mặt bằng thông thoáng và khẳng định quyết tâm trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư của tỉnh Phú Thọ.

Nhờ các giải pháp trên, năm 2021 và 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc về công tác bồi thường, thủ tục đầu tư cho 19 dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ bàn giao cho nhà đầu tư, có thêm 180 - 200ha đất sạch tại khu công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê để thu hút, mời gọi đầu tư. Đã thu hồi và giao đất cho 102 dự án với tổng diện tích 781,9ha; trong đó, 21,29ha diện tích của 15 khu tái định cư tập trung thuộc các dự án trọng điểm (các khu công nghiệp, đường liên vùng đi tỉnh Yên Bái, đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang...).

 Tạo sức bật đi lên

Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng đoàn công tác của tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Hoa Kỳ (tháng 8/2022). (Ảnh: Hương Giang) 

Từ quan điểm chỉ đạo thống nhất và những hành động quyết liệt, năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản duy trì ổn định, có sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 6,28%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,8%, phấn đấu cả năm 2022 trên 8%. Quy mô kinh tế năm 2021 đạt 80,7 nghìn tỷ đồng; dự kiến hết năm 2022 đạt khoảng 86,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015. Đáng chú ý là giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, đóng góp cho xuất khẩu cả nước (năm 2021 xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD - xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; 8 tháng đầu năm 2022 đạt 7,6 tỷ USD, tăng 60% so cùng kỳ, dự kiến năm 2022 đạt 15 tỷ USD).

Khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo, đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2021 và 6 tháng năm 2022 thu hút 186 dự án đầu tư, vốn đăng ký 96 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18 dự án FDI với tổng mức đầu tư 796 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn về sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, vật liệu xây dựng sắp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, góp phần tăng trưởng cao thời gian tới.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các chỉ số đánh giá có nhiều tiến bộ. Kết quả xếp hạng 4 chỉ số: Par Index, PCI, SIPAS, PAPI năm 2021 có tiến bộ vượt bậc như: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (xếp thứ 20/63 tỉnh, tăng 2 bậc, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc); Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công  - PAPI (xếp thứ 6/63 tỉnh, tăng 32 bậc); Chỉ số Cải cách hành chính - PAR Index (xếp thứ 9/63 tỉnh, tăng 1 bậc); Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS đạt 89,3% (xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc so năm 2020).

Đại diện doanh nghiệp trao đổi với đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ.

(Ảnh: Hương Giang) 

Các lĩnh vực xã hội được quan tâm chỉ đạo; duy trì và thực hiện tốt các hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiếp tục được duy trì, nâng cao; Phú Thọ luôn thuộc top 10 các tỉnh, thành phố về giáo dục và đào tạo. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; công tác phòng, chống dịch COVID-19 được chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được chú trọng.

Trong các chuyến thăm và làm việc với tỉnh Phú Thọ vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng vươn lên, tinh thần quyết liệt trong hành động của tỉnh Phú Thọ thời gian qua. Trên đà những thành tựu đã đạt được, Phú Thọ tiếp tục nỗ lực vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhất là phát triển nhanh, bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra./.

 

Hương Giang - Lệ Thủy - Ngọc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực