Chiều 23/2, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội (khóa XVII) tiến hành Hội nghị lần thứ bảy nhằm xem xét, cho ý kiến một số nội dung quan trọng.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ xem xét, cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020; Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh và gợi ý một số nội dung cần tập trung nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại hội nghị.
Về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung thảo luận, tham gia đóng góp cụ thể vào báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, đặc biệt cần đánh giá kỹ vào những nguyên nhân chủ quan, khách quan của 6 nhóm hạn chế, yếu kém; từ đó bàn kỹ, bàn sâu về các quan điểm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, nhận định và đưa ra được những vấn đề có tính đột phá, những nội dung gì của dự thảo Nghị quyết mới này có tính vượt trội về cơ chế, chính sách, về phân cấp, ủy quyền cho Thủ đô, để Thủ đô thực sự là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng trong cả nước...
Đối với Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đồng chí phân tích, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân chủ quan, khách quan của các hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức thi hành Luật và những quy định bất cập trong Luật Thủ đô, từ đó đề xuất giải pháp, biện pháp thực hiện. Với Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 16 nhóm chính sách. Nhóm chính sách được đưa ra xin ý kiến Hội nghị hôm nay là kết quả của quá trình tổng hợp, đánh giá những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn của TP, từ bất cập quy định của Luật Thủ đô sau gần 10 năm thực hiện, từ định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới và từ vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội. Do vậy, đề nghị các đồng chí góp ý thẳng vào các chính sách, giải pháp được đề xuất nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô sửa đổi, tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo”.
Về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch TP Hà Nội và định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là 5 định hướng chính được Ban Cán sự đảng UBND TP nhấn mạnh trong báo cáo, cụ thể là: Nghiên cứu định hướng dự báo dân số; nghiên cứu định hướng mô hình “TP trong TP” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm; nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam Hà Nội.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Về sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 01 của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khoá XVII, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các Ban Xây dựng Đảng và Văn phòng Thành ủy nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Thành ủy. Đến nay, sau khi tiếp thu ý kiến của Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy, Dự thảo Quy chế sửa đổi Quy chế làm việc số 01 của Thành ủy được đưa ra trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Dự thảo sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung 10 Điều của Quy chế 01; giữ nguyên bố cục về chương, điều của Quy chế 01, giữ nguyên những điều, những điểm, nội dung vẫn phù hợp; đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc lược bỏ các nội dung không cần thiết và bổ sung những nội dung mới để đảm bảo Quy chế phù hợp các chủ trương, định hướng, quy định có liên quan của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần này là những nội dung quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Đề án, Báo cáo, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối Kỳ họp”.
Sau phần khai mạc của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thay mặt Thường trực Thành ủy đã trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ-TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trình bày Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP về Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội.
Tiếp theo chương trình Hội nghị, cuối ngày làm việc thứ nhất, các đại biểu đã chia tổ thảo luận về 3 nội dung: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ-TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020; Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô và đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII sẽ diễn ra đến hết ngày mai (24/2)./.