Bí thư Thành ủy Hà Nội: Đầu tư xây dựng trụ sở cần cân nhắc kỹ

Thứ sáu, 30/09/2016 17:53
(ĐCSVN) - Sáng 30/9, tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tiếp xúc cử tri huyện Ba Vì để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trước kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIV.


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trò chuyện với cử tri Ba Vì. (Ảnh: HN)

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Ba Vì chủ yếu mong muốn Thành phố quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ giảm nghèo, nước sạch nông thôn… do Ba Vì là huyện có 7 xã thuộc xã miền núi, 13 thôn còn khó khăn; đường xá đi lại giữa các xã, các thôn chưa thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện lớn nhất của Thành phố.

Cử tri Nguyễn Xuân Xứng, xã Khánh Thượng cho biết, là vùng dân tộc miền núi, xã Khánh Thượng là địa bàn xa nhất của Thủ đô với diện tích 28,2 km chia làm 13 thôn, do địa bàn rộng nên người dân ở rải rác, không tập trung. Đây cũng là địa bàn giao thương, trung tâm trao đổi hàng hoá giữa 3 tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, giao thương hàng hóa ngày càng phong phú, hàng hoá sản xuất ra giá trị được nâng lên. Trước kia, chợ Chẹ, xã Khánh Thượng là trung tâm giao thương của 3 xã giáp ranh 3 tỉnh, tuy nhiên, chợ Chẹ hiện đã xuống cấp, lụt lội. Cử tri kiến nghị Thành phố xây dựng chợ Chẹ để giúp hàng hóa của nhân dân trong xã được trao đổi, buôn bán thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, cử tri xã Khánh Thượng cũng phản ánh hiện còn 6 thôn vẫn sử dụng nguồn điện từ tỉnh Hòa Bình. Cử tri kiến nghị Thành phố quan tâm xây dựng, hoàn thiện mạng lưới điện để nhân dân được dùng điện của Thành phố, vừa đảm bảo giá thành cũng như chất lượng điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Vấn đề giảm nghèo cũng được cử tri phản ánh, ở nhiều thôn của xã Khánh Thượng có hiện tượng quá nghèo. Có gia đình 6 người thì có 5 người nghèo đến mức không thể tiếp cận vốn ngân hàng, không trưởng thôn nào dám đứng ra bảo lãnh. Cử tri xã Khánh Thượng đề nghị cơ quan chức năng bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa điều kiện vay, kéo dài thời gian chi trả vốn vay, tránh trường hợp 1 hộ không trả được cả thôn có nguy cơ đối mặt với nguy cơ đình chỉ vay vốn.

Theo cử tri Nguyễn Xuân Linh, Bí thư chi bộ thôn Ninh, xã Khánh Thượng, cơ sở loay hoay mãi chưa thực hiện giảm nghèo bền vững vì có một số hộ thuộc diện nghèo “mãn tính”, rất khó thoát nghèo.

Cử tri Dương Trung Liên, đại diện cho cử tri xã Ba Vì cũng cho biết, xã Ba Vì hiện còn tới 48,7% là hộ nghèo. Trong khi đo, chủ trương của huyện Ba Vì từ nay đến 2018 sẽ giảm số hộ nghèo của xã Ba Vì xuống dưới 20% và đến 2020 xuống dưới 10% thì có thể rất khó đạt được. Do đó, các cử tri huyện Ba Vì kiến nghị cần có cơ chế, chính sách căn cơ để giúp các hộ thoát nghèo bền vững.

Một số cử tri khác của huyện Ba Vì cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường sau sự cố xả thải của Formosa, vấn đề quản lý hàng giả để tránh nạn phân bón giả tràn về nông thôn, vấn đề chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn và các hội chính trị đặc thù tại địa phương, vấn đề khó khăn về trụ sở làm việc của chính quyền, cho đến tình hình trên biển Đông và an ninh chủ quyền quốc gia…

Thay mặt các đại biểu Quốc hội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 8 TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển tải đến kỳ họp thứ 2 tới đây của Quốc hội khóa XIV và nhấn mạnh những ý kiến đóng góp của cử tri chính là thể hiện tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Về các vấn đề cụ thể mà cử tri phản ánh, kiến nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: những năm qua, Thành phố luôn và đã rất quan tâm đầu tư cho các xã nghèo, vùng sâu vùng xa của thành phố, nhờ đó, bộ mặt các xã, kể cả những xã xa nhất của thành phố như: Khánh Thượng, Ba Vì, Minh Quang (huyện Ba Vì) hiện nay đều đã khang trang hơn nhiều. Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo tại những địa phương này đúng là vẫn rất nan giải.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, do áp dụng theo chuẩn nghèo mới từ đầu năm nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố đã tăng lên đáng kể so với cuối năm 2015. Hiện, toàn thành phố còn trên 65.000 hộ nghèo và để xóa đói giảm nghèo cho các hộ này không hề dễ dàng.

“Cái khó nhất là phải tạo được công ăn việc làm cho người dân thì mới xóa đói giảm nghèo được bền vững, nhất là có các giải pháp căn cơ hơn và quan tâm hơn đến các hộ “nghèo mãn tính” như cử tri nêu ra. Phải lưu ý đến số hộ này và có giải pháp đặc biệt mới làm được”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy yêu cầu, cùng với thành phố, Ba Vì phải nỗ lực hơn nữa hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2016, nhất là việc xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh... Xây dựng đời sống văn hóa cũng là giải pháp phát triển bền vững.

Trước mắt, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Ba Vì quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhân dân về đất sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân về giống vật nuôi, có giải pháp hướng dẫn kỹ thuật để người dân nâng cao năng suất, giá trị sản xuất, hay có thể nghiên cứu mô hình liên kết với các làng nghề để cấy nghề và phát triển nghề tại địa phương mình…

Riêng với đề xuất của một số xã trong huyện Ba Vì về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của chính quyền địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc đầu tư trụ sở cho các xã khó khăn về trụ sở việc làm cần thực hiện trên tinh thần tiết kiệm và cân nhắc kỹ. Hiện, Ba Vì còn 11 xã có khó khăn hoặc thiếu về trụ sở làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, nếu chưa cấp bách thì chưa triển khai.

Về kiến nghị mở rộng mạng lưới cấp điện, xây dựng chợ Chẹ, xã Khánh Thượng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải giao UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới của xã./.

Hiền Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực