Dù trên bất kỳ cương vị nào, một vị quan đại thần, hay là một nhà lãnh đạo cấp cao của Quốc hội và Chính phủ, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn tỏa sáng tinh thần "cần, kiệm liêm chính, chí công vô tư", đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Từ khi là một vị quan của chính quyền cũ, cụ Bùi đã nổi tiếng về đức “Liêm”. Cụ cho treo ở công đường bảng thông báo “không nhận quà biếu” và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu, nếu nhận sẽ bị phạt rất nặng. Điều đó thể hiện rõ tinh thần liêm chính, chí công vô tư của một bậc danh Nho chân chính. Cụ luôn đề cao tinh thần thân dân, đau xót trước cảnh nhân dân đói khổ lầm than. Khi làm Tri phủ huyện Xuân Trường, Nam Định, Cụ đã tổ chức đắp đê Bạch Long ngăn nước mặn, tạo một vùng trồng lúa rộng lớn, giúp đời sống nhân dân hưng thịnh. Để ghi công đức của Cụ, nhân dân địa phương đã làm lễ tế sống vị “Phụ mẫu chi dân” trẻ tuổi.
Từ một vị quan chính trực, tài năng, cảm phục và mến mộ tài đức, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng, cụ Bùi đã nhận lời mời tham gia chính quyền cách mạng, dấn thân vào con đường đầy gian khổ, chông gai, nhưng cũng hết sức vẻ vang, cao đẹp và đã tích cực tham gia xây dựng Chính phủ, Quốc hội. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng của Nhà nước, Cụ đã đem hết tài năng và tâm huyết, đóng góp to lớn vào việc xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước mới được thành lập thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thời gian sống và làm việc ở chiến khu Việt Bắc, cụ Bùi Bằng Đoàn giữ nếp sống hết sức giản dị, khiêm tốn. Cụ “đã luôn luôn chân dậm đất, lặn suối trèo đèo nhiều khi sát ngày tiếng súng để cùng Chính phủ điều khiển cuộc kháng chiến”. Thời gian này, Cụ có điều kiện thường xuyên làm việc gần gũi và gắn bó mật thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh như hai người bạn tri âm, tri kỷ. Tấm gương tài đức của Cụ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng, thường xuyên đến thăm hỏi, trao đổi không chỉ về công việc, mà cả văn chương, thơ phú...
|