Cho ý kiến về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Thứ bảy, 29/05/2021 13:00
(ĐCSVN) - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội có những điểm đột phá và điểm mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp để xây dựng, củng cố, nâng cao mối quan hệ liên minh công nhân- nông dân- trí thức.

Ngày 29/5, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 7 (khóa VII) đã diễn ra tại Hà Nội.

Củng cố, nâng cao mối quan hệ liên minh công nhân - nông dân - trí thức

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, diễn ra trong thời gian 1 ngày, đại biểu dự Hội nghị dành thời gian cho ý kiến về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; báo cáo đánh giá công tác Hội và phong trào nông dân 5 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021; triển khai các quyết định về công tác cán bộ.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu khai mạc

5 tháng qua, cán bộ Hội, hội viên nông dân, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã đã thay đổi dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ sang sản xuất lớn, từ tư duy sản xuất nông hộ sang tư duy sản xuất kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị với sự liên kết "6 nhà" một cách chặt chẽ theo hình thức tổ chức chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Vượt lên khó khăn bởi thiên tai và dịch bệnh, các cấp Hội đã thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào thi đua yêu nước. Đồng bào nông dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Hội Nông dân, thực hiện rất tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - đồng chí Thào Xuân Sùng khẳng định.

Tuy nhiên, bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta, cán bộ Hội và hội viên nông dân Việt Nam thấy rõ 8 những khó khăn, thách thức. Đó là, Việt Nam đang chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra trên các vùng kinh tế - xã hội.

Đã và đang hình thành một bộ phân nông dân trí thức hay công nhân nông nghiệp có trình độ, kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nhưng mới được bước đầu, phần đông vẫn phổ biến là kinh tế hộ, thiếu liên kết nên khó cạnh tranh trên thị trường.

Hiện tại mới có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nên không thể đủ lực chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và kết nối cung cầu. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn đã và đang gặp không ít khó khăn về tiếp cận nguồn vốn về ngân hàng và các thủ tục liên quan đến đất đai.

Phần lớn nông dân thiếu kỹ năng sản xuất hàng hoá, thiếu kỹ năng nghề, thiếu vốn và các công cụ sản xuất hiện đại. Xã hội nông thôn đang biến đổi sâu sắc về cơ cấu xã hội, giai cấp, dân số, tộc người, tôn giáo, nghề nghiệp… có cả mặt tích cực và tiêu cực đòi hỏi phải từng bước vươn lên, khắc phục hạn chế, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại như Đại hội XIII của Đảng ta đề ra.

Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần có những điểm đột phá và điểm mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp để xây dựng, củng cố, nâng cao mối quan hệ liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong liên doanh sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Quang cảnh Hội nghị 

6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Theo nội dung dự thảo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gồm 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đó là: Quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến các cấp hội, hội viên nông dân; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Vận động nông dân phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh, giảm nghèo bền vững; Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ, tạo nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Về công tác Hội và phong trào nông dân 5 tháng đầu năm; nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho hay, cán bộ, hội viên, nông dân đã thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa chống dịch COVID-19, vừa khắc phục khó khăn để duy trì lao động sản xuất, phát triển kinh tế; tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động.

Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố; chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ Hội được nâng lên theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất theo mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiêp, tổ vay vốn, các loại hình Câu lạc bộ theo nghề nghiệp, theo sở thích trên địa bàn nông thôn.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nhất là bà con nông dân trong những vùng có dịch bệnh, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đang gặp khó, giá bán giảm mạnh trong khi giá cả nguyên liệu đầu vào không ổn định, nhiều loại nguyên liệu đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... tăng, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

5 tháng đầu năm, các cấp Hội đã vận động hơn 6 triệu chủ hộ hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; tư vấn, hướng dẫn nông dân thành lập mới 128 hợp tác xã, 1.136 tổ hợp tác; tổ chức đào tạo nghề cho gần 40 nghìn hội viên, nông dân; sau học nghề, tiếp tục giới thiệu việc làm cho nông dân; liên kết các doanh nghiệp bảo lãnh vật tư đầu vào, thiết bị nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi, trị giá hàng trăm tỷ đồng; vận động viện trợ nước ngoài được hơn 70 tỷ đồng… 

Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay vốn, đạt mức dư nợ các chương trình tín dụng, ủy thác qua Hội Nông dân Việt Nam hơn 71 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng, tính từ cuối năm 2020); phối hợp Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn giúp nông dân vay vốn, đạt tổng dư nợ cho vay lên hơn 68 nghìn tỷ đồng (tăng 442 tỷ đồng so cuối năm 2020).

 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực