Chống “tham nhũng vặt”: Không “lót tay”, không “phong bì”

Thứ tư, 30/06/2021 18:02
(ĐCSVN) – Để đấu tranh có hiệu quả với "vấn nạn” tham nhũng “vặt” cần liên kết được số đông và tạo ra sức mạnh tập thể. Muốn làm được điều đó thì vai trò của mỗi người dân là rất quan trọng. Khi mỗi người dân không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp tay” cho những hành vi tham nhũng thì tham nhũng không thể "lây lan”.
Theo kết quả khảo sát SIPAS 2020, ở 63 tỉnh, thành phố vẫn còn tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. (Ảnh minh họa: TA) 

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa công bố về chỉ số cải cách hành chính năm 2020 (PAR Index 2020) và chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính năm 2020 (SIPAS) của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có một kết quả rất đáng chú ý là tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh phí “bôi trơn”, lót tay tại một số cơ quan, đơn vị “tăng nhẹ” so với năm trước.

Theo kết quả khảo sát SIPAS 2020, ở 63 tỉnh, thành phố vẫn còn tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. Tỉ lệ người dân đi lại 1 lần để làm 1 thủ tục hành chính là 29,69%, đi lại 2 lần 55,71%, đi lại 3 lần 9,64%, đi lại 4 lần 4,41% và 0,72% phải đi lại 5 lần trở lên để thực hiện 1 thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình cung ứng dịch vụ công, với tỉ lệ ghi nhận 1,23%. Tình trạng người dân, tổ chức bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu xảy ra ở 57/63 tỉnh, thành phố.

Con số đáng lưu ý trong báo cáo SIPAS 2020 là có 0,59% người dân, tổ chức được khảo sát cho biết phải trả tiền ngoài phí/lệ phí, tức tiền "bôi trơn" khi thực hiện dịch vụ công, tăng 0,12%

Có 48/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân phải trả phí "bôi trơn" khi thực hiện dịch vụ công, tăng 2 tỉnh so với năm 2019.

Nhìn vào những con số này, chúng ta thấy mặc dù công cuộc cải cách hành chính được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như "một cửa, một dấu”, "một cửa liên thông”, "tất cả vì sự hài lòng của người dân”... nhưng trong thực tế người dân muốn nhanh, gọn, sớm thì đều phải “biết ý” có chi phí "lót tay”, tiền "bôi trơn”, tiền bồi dưỡng thì công việc mới nhanh trôi chảy.

Trong các công bố nêu trên, chúng ta chỉ cần phân tích chỉ số tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. Tỷ lệ người dân chỉ phải đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69% là con số quá thấp so với kỳ vọng cải cách hành chính đặt ra. Trong khi đó, tỷ lệ người dân muốn giải quyết ổn thỏa thủ tục hành chính phải đi lại tới hai lần là 55,71%, phải đi lại tới ba lần là 9,64%, đi lại bốn lần là 4,41%. Thậm chí có một số người phải đi lại tới năm lần mới được giải quyết các thủ tục hành chính, chiếm 0,72%. Có ai "bị hành" đi lại tới lần thứ ba mà không “tặc lưỡi” đưa phong bì cho trôi việc?

Và tình trạng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan cung cấp dịch vụ công, giải quyết các thủ tục hành chính nhũng nhiễu, hành dân để được nhận phong bì “lót tay” lâu nay vẫn được gọi bằng cái tên “tham nhũng vặt”.

Dĩ nhiên, việc người dân muốn làm các thủ tục hành chính phải đi lại nhiều lần cũng không phải tất cả đều do bị sách nhiễu, vòi vĩnh phí “bôi trơn”. Điều đó có thể là do người dân chưa thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu mỗi cán bộ, công chức, viên chức có tâm, hướng dẫn tận tình thì người dân đâu phải vất vả rồi lại phải “bôi trơn” để công việc nhanh chóng đạt yêu cầu đề ra.

Sở dĩ tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính nhũng nhiễu, hạch sách, vòi vĩnh phong bì của người dân có chiều hướng gia tăng một phần là do chữ... “vặt”. Vì là “tham nhũng vặt” nên ít người “soi”, chưa cần phải diệt tận gốc “ngay và luôn” nên họ có cơ hội tồn tại, rồi dần dần phát triển. Song, đã tham nhũng thì có lẽ cũng chẳng có “vặt” hay lớn, dù nhận tiền nhiều hay ít thì đều là những con sâu đang đục khoét, hại dân, hại nước và cần được loại bỏ ra khỏi hệ thống công quyền.

Thiết nghĩ, để đấu tranh có hiệu quả với "vấn nạn” tham nhũng “vặt” cần liên kết được số đông và tạo ra sức mạnh tập thể. Muốn làm được điều đó thì vai trò của mỗi người dân là rất quan trọng. Khi mỗi người dân không "lót tay", không "phong bì", không "tiếp tay” cho những hành vi tham nhũng thì tham nhũng không thể "lây lan”. Và chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trở thành một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hằng ngày thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lách luật, lựa luật hay bất chấp pháp luật để đạt được mục đích của mình.

Rõ ràng, không thiếu những giải pháp, nhưng phòng, chống "tham nhũng vặt”, "nhũng nhiễu” đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về hiểm họa của nó và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi. Muốn thế vấn đề đặt ra là phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, nhất là chế độ trách nhiệm phải rõ ràng. Cần mạnh dạn giao trách nhiệm gắn với giao quyền và có sự kiểm soát để không lạm quyền, không thể "nhũng nhiễu”…

Vấn nạn phí “bôi trơn” chỉ có thể chấm dứt khi mà mọi thứ minh bạch, người vi phạm nếu bị phát hiện bị xử lý nghiêm minh, không có bao che, xuê xoa chỉ vì... “tham nhũng vặt” ấy mà.

Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phòng ngừa, xây dựng thể chế đến phát hiện xử lý tham nhũng gắn với vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng và người dân thì mới mong có chuyển biến. Nếu không có các giải pháp đủ mạnh để quyết liệt chống tham nhũng và nếu không thực hiện nghiêm các giải pháp ấy, tham nhũng trở thành một thứ "ung thư” di căn trong lòng xã hội, sẽ biến hình và gây hậu quả khó lường./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực