Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (Nguồn: congdoanquangninh.org.vn)
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết "Công đoàn Việt Nam và những đột phá mang tính chiến lược" của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải.
Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới về hoạt động để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh. Đối diện với bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 hay các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Công đoàn Việt Nam đã xác định ba khâu đột phá chiến lược quan trọng nhằm khẳng định vị thế, vai trò trong việc chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
* Xác định các nhiệm vụ cốt lõi của Công đoàn
Tổ chức Công đoàn ra đời, tồn tại và phát triển từ nhu cầu tự thân, nhu cầu tất yếu của phong trào công nhân, có vai trò tổ chức, dẫn dắt phong trào công nhân và trải qua các giai đoạn phát triển, từ thấp đến cao. Những ý tưởng về tổ chức công hội trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927) của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, độc đáo, sáng tạo, mà còn có sức sống mãnh liệt cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy. Đó là tư tưởng mang tính thời đại để đưa phong trào công nhân Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy chung của cách mạng thế giới, với trung tâm chính là sự đồng bộ trong phương thức vận động công nhân, tổ chức hành động và cách thức xây dựng tổ chức quần chúng cách mạng.
Vận dụng tư tưởng này, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác lập nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn 2018 - 2023 là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Trong đó, có ba thành tố là nhấn mạnh vai trò đại diện; thể hiện mức độ quan tâm giữa đoàn viên và người lao động; đặt trọng tâm ở việc làm bền vững và mức sống của người lao động.
Đại hội đã nêu rõ nhiệm vụ của từng cấp công đoàn, trong đó, cấp Trung ương tiến hành đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, trọng tâm là hoàn thiện quy trình, nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hóa cán bộ công đoàn tham mưu chính sách, pháp luật, hình thành Hội đồng tư vấn chính sách; nghiên cứu xây dựng thỏa ước lao động tập thể khung cấp quốc gia. Công đoàn cơ sở chú trọng tham gia giải quyết ngay từ đầu các vướng mắc, bức xúc của người lao động; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc...
* Phát triển các mô hình tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã đề ra những mô hình tập hợp và hành động của đoàn viên công đoàn. Đầu tiên là mô hình nâng cao chất lượng đầu vào của đoàn viên với mong muốn quan tâm toàn diện, từ việc phát triển đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, đến việc nâng cao chất lượng đoàn viên và chăm lo lợi ích đoàn viên; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm cơ sở thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn một cách bền vững...
Mô hình đoàn viên tham gia hoạt động cơ bản của tổ chức Công đoàn ở cơ sở, trong đó, hoạt động đối thoại, thương lượng có vai trò rất quan trọng, được pháp luật quy định, trực tiếp mang lại quyền lợi cơ bản cho người lao động, biểu hiện sinh động trách nhiệm Công đoàn góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Điều này đòi hỏi cần hình thành, nâng cao chất lượng lực lượng nòng cốt đảm nhận nhiệm vụ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tư vấn viên giải quyết bức xúc của người lao động, trở thành lực lượng tham gia đối thoại, thương lượng của tổ chức Công đoàn ở cơ sở, là nguồn cán bộ Công đoàn cơ sở.
Mô hình đoàn viên kiểm soát hoạt động Công đoàn được đánh giá là quan trọng, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn, củng cố vững chắc uy tín của tổ chức và cán bộ Công đoàn. Trong tình hình mới, công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện ngày càng tốt hơn nên phải tiến hành đồng bộ với các lực lượng, phương thức thích hợp, trước hết là ở cơ sở.
* Đổi mới phương thức hoạt động cơ bản của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng chuẩn chất mới, cần tiến hành một cách hệ thống các giải pháp, từ tạo nguồn cán bộ, bố trí cán bộ, đánh giá cán bộ và quan trọng nhất là tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn theo chức danh, gắn lý thuyết với thực hành, bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn.
Bên cạnh việc kế thừa các giá trị thực tiễn, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã quyết định tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động Công đoàn. Điểm cốt lõi là xác định quan điểm “phục vụ” của tổ chức Công đoàn. Tính chiến lược của quan điểm “phục vụ” là nhấn mạnh phần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn. Trách nhiệm ấy của cán bộ Công đoàn là vì lợi ích có được, vì địa vị xã hội có được và vì sự phân công của tổ chức. Có người lao động tất yếu có tổ chức Công đoàn để tập hợp, đại diện, lãnh đạo người lao động; có đoàn viên mới có tổ chức Công đoàn và có tổ chức Công đoàn mới có cán bộ Công đoàn.
Vì thế, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam quyết định phương thức hoạt động tổng quát: Cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức Công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động với yêu cầu lấy nhu cầu hợp pháp chính đáng của tập thể công nhân, viên chức, lao động là cơ sở hoạt động; lấy việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân, viên chức, lao động làm mục tiêu hoạt động theo nguyên tắc hoạt động cơ bản nhất là phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.../.