"Công tác luân chuyển cán bộ ở miền Trung - Tây Nguyên: Thực trạng và vấn đề đặt ra"

Thứ sáu, 18/08/2023 10:28
(ĐCSVN) – "Công tác luân chuyển cán bộ ở miền Trung- Tây Nguyên: Thực trạng và vấn đề đặt ra" là chủ đề Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị khu vực III tổ chức sáng 18/8, tại Đà Nẵng.

PGS.TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III phát biểu, trao đổi tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu thống nhất cao nhận định: Công tác cán bộ có nhiều khâu, trong đó luân chuyển đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Luân chuyên cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ. Đồng thời, luân chuyển còn tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện, thử thách, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước; tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ khép kín trong từng ngành, từng địa phương và từng đơn vị.

Từ khi Bộ Chính trị ban hành quy định và kết luận về luân chuyển cán bộ, công tác này ở các đảng bộ tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên ngày càng đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt, cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra: Các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác luân chuyển cán bộ chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; quan tâm tạo điều kiện, thường xuyên theo dõi, kiểm tra cán bộ luân chuyển trong thực hiện nhiệm vụ.

Việc lựa chọn địa bàn, chức danh và chuẩn bị nhân sự luân chuyển đã gắn kết khá chặt chẽ với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ và có sự phối hợp hiệu quả giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị; nhất là đã quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu đào tạo, bôi dưỡng, rèn luyện, thử thách với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, địa bàn phức tạp, góp phần khắc phục dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác sử dụng cán bộ.

Các cấp ủy đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân, cấp trưởng một số ngành không là người địa phương... Vì thế, phần đông cán bộ luân chuyển có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực, uy tín, chấp hành đúng sự phân công, bố trí công tác; nhiều cán bộ sau thời gian luân chuyên đã trưởng thành toàn diện hơn, góp phần cụ thể vào kết quả, thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị. 

Tuy nhiên, trên bình diện chung, công tác luân chuyển cán bộ trên địa bàn miền Trung- Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập cần phải có sự trao đổi, thảo luận. Đó là một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa bám sát các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ; việc luân chuyển chưa đồng bộ, liên thông trong hệ thống chính trị; một số nơi còn biểu hiện cục bộ, khép kín, chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ luân chuyển giữa các khối đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể; giữa các cơ quan, đơn vị với cơ sở chưa cân đối, hài hòa; một số cán bộ có biểu hiện nể nang, “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, chưa thực sự tâm huyết, nỗ lực, phần đấu để khẳng định năng lực bản thân và đóng góp thiết thực, hiệu quả cho nơi đến công tác...

Quang cảnh Hội thảo khoa học: “Công tác luân chuyển cán bộ
ở miền Trung- Tây Nguyên: Thực trạng và vấn đề đặt ra”. 

Theo đại diện Học viện Chính trị khu vực III, những thành quả và hạn chế nêu trên, thành tựu là cơ bản nhưng bất cập, hạn chế cũng không nhỏ. Do đó, để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, yêu cầu cần thiết đặt ra hiện nay là cần đánh giá đúng thực trạng, nhận diện đúng những vấn đề đang đặt ra và đề xuất giải pháp nhằm đổi mới công tác luân chuyển cán bệ trong thời gian tới.

Trên cơ sở yêu cầu đặt ra đó, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị từ đội ngũ cán bộ ở Học viện Chính trị khu vực III cũng như cán bộ làm công tác tham mưu và hoạt động thực tiễn tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn miền Trung- Tây Nguyên.

Các ý kiến đã tập trung về những nội dung, như: Quan điểm, quy định của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ hiện nay; về cơ chế luân chuyển cán bộ; mối quan hệ giữa đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; công tác phối hợp giữa nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến; việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ không là người địa phương; xác định tiêu chí đánh giá cán bộ trước, trong và sau luân chuyển...

Đặc biệt, Hội thảo cũng nghe nhiều tiếng nói từ thực tiễn, mang hơi thở từ các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ; các đơn vị, địa phương trên địa bàn miền Trung- Tây Nguyên. Hội thảo cũng là cơ sở dữ liệu cần thiết, bổ ích để cán bộ giảng dạy tại Học viện Chính trị khu vực III và đại biểu tham dự tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, góp phần xây dựng các đảng bộ tại miền Trung- Tây Nguyên trong sạch, vững mạnh./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực