Đắk Lắk nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên

Chủ nhật, 21/04/2024 08:51
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.
Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría Đào Quang Lâm, huyện Lắk (bên  trái) là một trong những cán bộ, đảng viên năng nổ, trưởng thành từ thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng bài bản gắn với giao nhiệm vụ và trách nhiệm từ cơ sở.  

Cùng với sự lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và đội ngũ đảng viên của tỉnh được quan tâm, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thể hiện trên một số kết quả cụ thể. Trước hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 31-8-2021 về “Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo” và Kế hoạch số 99-KH/TU, ngày 18-7-2022 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố gắn với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đảng viên”.

Để đạt được chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng; phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách địa bàn; mở rộng các hình thức thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên, đẩy mạnh công tác tạo nguồn.

Theo số liệu của Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ năm 2021 đến 2023, toàn tỉnh kết nạp được gần 7.100 đảng viên, nâng tổng số đảng viên hiện nay lên 85.283 đồng chí. Trong đó, đảng viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) 15.732 đồng chí, chiếm 18,02%; đảng viên nữ 34.471 đồng chí, chiếm 39,49%; đảng viên là người có đạo 1.212 đồng chí, chiếm 1,39%; đảng viên là đoàn viên thanh niên 18.660 đồng chí, chiếm 21,38%. Số lượng phát triển đảng viên đều đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm, chất lượng cơ bản bảo đảm yêu cầu đề ra. Đến nay, 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ, “xóa” tình trạng “trắng” tổ chức đảng như trước đây.

Ngoài ra, công tác cán bộ được triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả, thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, chủ động trong tạo nguồn và bố trí cán bộ phù hợp với năng lực và khả năng chuyên môn của từng cán bộ; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, từng bước gắn với vị trí việc làm, chức danh cán bộ đang đảm nhiệm và quy hoạch, sử dụng; việc bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định; Đề án luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk quản lý đợt I và đợt II (nhiệm kỳ 2020 - 2025) được ban hành và triển khai thực hiện, kết quả đã luân chuyển 13 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Hiện nay, hệ thống văn bản về công tác cán bộ được ban hành, sửa đổi, bổ sung đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời, cách thức đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp gắn với quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, thực chất, đúng quy định, giúp cán bộ nhìn nhận được ưu điểm, khuyết điểm, từ đó, thực hiện xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Krông Pắc là một trong những địa phương tại Đắk Lắk quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ. 

Xác định việc xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19-5-2022 về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Nghị quyết xác định phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đạt 15% trở lên; đến năm 2030 đạt 30% và đến năm 2045 phù hợp với tỉ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

Nhằm xây dựng TCCSĐ vững mạnh toàn diện, cùng với việc chăm lo công tác phát triển đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tỉnh ủy đã thành lập các tổ công tác tham gia sinh hoạt với các chi bộ nhằm định hướng nội dung sinh hoạt chuyên đề, nắm tình hình và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, hướng dẫn lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội đối với loại hình chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố. Trong đó, gắn việc sinh hoạt chi bộ với lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Ngoài việc chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức, nghiệp vụ công tác Đảng, các TCCSĐ còn phải trang bị, cập nhật kiến thức về kinh tế, khuyến nông, khuyến lâm với kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ cho đội ngũ bí thư, phó bí thư, cấp ủy viên theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

Có thể khẳng định, sau hơn 3,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ cũng như phương thức lãnh đạo của các cấp ủy được đổi mới, hiệu quả./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực