Để Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lan tỏa trong đời sống xã hội

Thứ ba, 15/09/2020 13:58
(ĐCSVN) – Để Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thực sự đi vào đời sống, cần chú trọng thay đổi phương pháp thực hiện Luật; tăng cường sự phối hợp lẫn nhau để hình thành quy chế, tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, vướng mắc...

Tăng cường phối hợp, thể chế hóa Luật MTTQ Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực

Làm rõ hơn mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận trong Luật MTTQ Việt Nam

leftcenterrightdel
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ tại buổi khảo sát thực hiện Luật MTTQ Việt Nam tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh:TH)

Vai trò, vị trí của MTTQ được khẳng định và nâng cao

Luật MTTQ Việt Nam hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 9/6/2015, được Chủ tịch nước công bố ngày 23/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Luật MTTQ Việt Nam ra đời là một dấu mốc quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Sau 5 năm thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên đã có sự phối hợp hành động, từng bước thể chế hóa các nội dung của luật vào thực tiễn. Đáng chú ý, việc thực hiện Luật đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể về vai trò, vị trí, nhiệm vụ và mối quan hệ của MTTQ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy đảng đã giúp MTTQ Việt Nam các cấp gỡ được nhiều khó khăn, tổ chức mặt trận các cấp đủ mạnh để hoạt động. Lãnh đạo chủ chốt của MTTQ Việt Nam các cấp tham gia trong Ban Thường vụ cấp ủy ngày càng nhiều hơn, thực quyền hơn; cán bộ MTTQ các cấp ngày càng được trẻ hóa, được đào tạo, quy hoạch tốt hơn; được luân chuyển để giữ vị trí lãnh đạo cao hơn ngày càng nhiều so với trước.

Cùng với đó, vai trò, vị trí của MTTQ được khẳng định và nâng cao trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động chính trị - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…

Tại Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cho biết, Hội Cựu chiến binh các cấp có nhiều lợi thế khi triển khai Luật MTTQ Việt Nam bởi đội ngũ cán bộ, hội viên dày dặn kinh nghiệm tôi luyện từ chiến trường, quân ngũ, có tiếng nói tập hợp được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Nhờ đó, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng.

Tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 năm qua, việc thực hiện các nội dung quy định trong Luật MTTQ Việt Nam của các cấp Công đoàn Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác giám sát, phản biện. Công đoàn Việt Nam các cấp đã chủ trì giám sát 19.121 cuộc, tham gia giám sát 36.155 cuộc, thực hiện phản biện thông qua tổ chức 17.363 hội nghị phản biện, 17.244 lần gửi dự thảo văn bản và đối thoại trực tiếp 28.868 cuộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã 3 lần gửi văn bản phản biện về Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tới cơ quan chủ trì soạn thảo, phản biện đối với các nghị định quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam...

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chia sẻ, thông qua việc thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, các cấp Công đoàn Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung và phương pháp giám sát, phản biện xã hội, từ đó nâng cao vai trò Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, trải qua 5 năm thi hành Luật MTTQ Việt Nam cho thấy, nhiều cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ Luật MTTQ Việt Nam, chưa thực sự phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ cùng cấp hoạt động. Hoạt động MTTQ một số nơi còn hạn chế, chưa thể hiện đúng vai trò, vị trí, nhiệm vụ của MTTQ như Luật quy định. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ còn nhiều khó khăn, bất cập. Một bộ phận nhân dân chưa biết Luật MTTQ Việt Nam, chưa tham gia các cuộc vận động do Mặt trận phát động.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức thành viên với MTTQ ở một số nơi còn chưa chặt chẽ, thường xuyên nhất là trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội… Ngoài ra, nội dung hoạt động công tác của MTTQ trong những năm qua cũng bộc lộ những vấn đề như: hoạt động dàn trải, có những nội dung chồng chéo, hình thức, nặng về hoạt động bề nổi. Việc triển khai một số nội dung  có lúc, có nơi chưa đều…

Quy định rõ vai trò giám sát, phản biện

Từ những bất cập trên, tại Hội nghị góp ý, sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam diễn ra mới đây do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn các nội dung quy định trong Luật MTTQ Việt Nam trong thực tế, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức nói chung, từ đó nâng cao sự chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp thực hiện các nội dung được quy định trong luật.

leftcenterrightdel
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Ngọc Thảo góp ý tại Hội nghị. (Ảnh:TA) 

Đáng chú ý, các vấn đề liên quan đến công tác giám sát phản biện xã hội của MTTQ, mối quan hệ giữa MTTQ với cấp ủy đảng, chính quyền… nhận được sự quan tâm góp ý của nhiều đại biểu. TS Lê Văn Hoạt, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật MTTQ TP Hà Nội cho rằng, qua 5 năm thực hiện, hoạt động MTTQ đã có nhiều kết quả thiết thực. Đây là nhân tố quan trọng để nhìn lại hoạt động của MTTQ Việt Nam. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những tồn tại do chỉ đạo của Trung ương chưa lan truyền xuống cơ sở, chưa “thấm” hết vào nhiều hoạt động của Mặt trận. Chính MTTQ cũng đã thu mình lại chưa nắm lấy cơ hội để hoạt động. Vì vậy, ông Hoạt đề nghị, Mặt trận cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những vấn đề nhân dân quan tâm; cần bổ sung thêm việc nhân dân được quyền giám sát hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vì trước đây Luật chỉ quy định nhân dân giám sát các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước mà thôi.

Các đại biểu cho rằng, nội dung phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, chương trình, dự án do UBND, các ngành chuẩn bị và đề xuất. Do đó, chương trình phản biện xã hội cần có sự thống nhất giữa MTTQ Việt Nam và UBND cùng cấp. Từ thực tế đó, một số đại biểu đề nghị điểm 1 (Điều 35) nên ghi là: Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ thống nhất với thường trực UBND, Thường trực HĐND cùng cấp về chương trình phản biện xã hội hằng năm.

Từ góc nhìn của mình, ông Phạm Lợi, Nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng, mặc dù Luật MTTQ Việt Nam đã quy định rõ vai trò, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức thành viên nhưng mới dừng ở mối quan hệ “tự nguyện”, “thỏa thuận”, “phối hợp” và thiếu quy định về trách nhiệm thực hiện. Từ thực tiễn hoạt động, ông Phạm Lợi đề xuất cần cân nhắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc Mặt trận tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí.

“MTTQ Việt Nam có tầm ảnh hưởng, có thế mạnh trong hoạt động ở khu dân cư. Do đó, cần bổ sung “MTTQ tổ chức, động viên nhân dân phát huy tinh thần làm chủ giám sát cán bộ, công chức, viên chức, đại biêu dân cử; phát hiện những gương người tốt, việc tốt; những biểu hiện tiêu cực, lối sống xa hoa của cán bộ, công chức, viên chức ở khu dân cư để báo cáo, yêu cầu cơ quan có thầm quyền xem xét, giải quyết”, ông Phạm Lợi nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội thông tin, từ năm 2013 khi Hiến pháp quy định vị trí, chức năng của MTTQ thì vị trí, vai trò của Mặt trận được nâng, qua đó hoạt động của Mặt trận ngày càng hiệu quả, thiết thực, bớt hình thức hơn. Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến công tác giám sát, phản biện vẫn còn những bất cập. Nhiều nội dung phản biện, giám sát chưa được luật hóa nên kết quả chưa đạt yêu cầu. Vấn đề giám sát quyền lực còn nhiều điều phải bản vì trong quá trình thực hiện còn thiếu sự bình đẳng… Do đó, bà Bùi Thị An đề nghị đưa thêm một chương là giám sát của các thành viên của MTTQ và nhân dân. Trong đó, quy định rõ giám sát việc tham nhũng, tham ô, giám sát việc thực thi Luật của cơ sở… để Mặt trận thực hiện tốt hơn. Bởi hiện tại nhiều nơi không coi trọng MTTQ, thậm chí đưa cán bộ không làm được việc về làm công tác Mặt trận.

leftcenterrightdel
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội . (Ảnh:TH)

Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban MTTQ Viêt Nam TP Hà Nội nêu, trong quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với chính quyền vẫn còn những vấn đề chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Một số vấn đề về cơ chế chính sách trong hoạt động của MTTQ Việt Nam, nhất là ở cơ sở khi xây dựng trong một số nghị định, quyết định còn mang tính chủ quan, chưa sát thực tế. Nhiều kiến nghị của MTTQ Việt Nam đã được gửi đến các cơ quan soạn thảo chậm được tiếp thu, thậm chí đã nhiều lần không được tiếp thu sửa đổi nên MTTQ Việt Nam ở cơ sở khó hoạt động, nhất là hoạt động ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

“Trong hoạt động phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam luôn rơi vào thế bị động mà chưa được chủ động. Theo quy định, MTTQ Việt Nam chỉ được tham gia phản biện xã hội với các văn bản dự thảo nghị quyết, kế hoạch đề án khi chính quyền yêu cầu trong khi thực tế có nhiều vấn đề rất cần có tiếng hói phản biện của MTTQ Việt Nam và nhân dân” – ông Thảo nêu lên và đề nghị cần tìm các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Đề cập đến Điều 22 trong Luật MTTQ Việt Nam, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm một khoản (khoản 3) quy định: “Tại kỳ hợp Quốc hội, HĐND, đại diện MTTQ Việt Nam cùng cấp có quyền chất vấn chính quyền, nhà nước cùng cấp về những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan chính quyền và trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Những chất vấn của MTTQ Việt Nam phải được xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định của luật”. Các ý kiến đề nghị khôi phục, bổ sung việc MTTQ Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc, sửa đổi đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trong một số buổi kiểm tra, khảo sát việc thi hành Luật MTTQ Việt Nam gần đây tại một số tổ chức chính trị - xã hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đề nghị, cần chú trọng thay đổi phương pháp thực hiện Luật MTTQ Việt Nam, tăng cường sự phối hợp lẫn nhau để hình thành quy chế, tìm ra được nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, vướng mắc để từ đó rút ra được đánh giá chính xác về tác động của Luật đến với từng tổ chức, đơn vị, giúp cho quá trình thi hành Luật MTTQ Việt Nam đạt hiệu quả hơn, từ đó đề xuất các góp ý, sửa đổi Luật trong tương lai…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực