|
Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chúc mừng Đại hội. |
Dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đại diện các cơ quan Trung ương, Thành phố Hà Nội cùng 219 đại biểu đại diện cho gần 11.000 đảng viên thuộc 51 tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ huyện.
Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2020-2025; đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXII và đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Hoàn thành và vượt kế hoạch 20/20 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020
Báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và Nhân dân huyện Gia Lâm đã đoàn kết, thống nhất, chủ động vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong nhiệm kỳ đã hoàn thành và vượt kế hoạch 20/20 chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,03%/năm; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,4%/năm; giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 16,58%/năm. Thu nhập bình quân 62,5 triệu đồng/người/năm; toàn huyện không còn hộ nghèo. Thu ngân sách nhà nước hằng năm vượt so với dự toán được giao, đạt hơn 2.770 tỷ đồng/năm, vượt 67% so với kế hoạch.
Công tác xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bộ mặt nông thôn mới được thay đổi rõ nét, tiến bộ hơn. Gia Lâm đã hoàn thành 306/424 dự án với tổng kinh phí 5.506 tỷ đồng, huy động gần 2.700 tỷ đồng vốn xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trên địa bàn huyện hiến 30.183,8m2 đất nông nghiệp, đất thổ cư; đóng góp 358,277 tỷ đồng cùng hàng vạn ngày công lao động hoàn thiện hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, 20/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, huyện Gia Lâm được công nhận huyện nông thôn mới.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo, tạo bước chuyển quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Công tác quy hoạch, bố trí sử dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 1.110 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy và cấp ủy cơ sở đã tổ chức kiểm tra, giám sát trên 1.000 lượt tổ chức đảng, trên 170 lượt cán bộ, đảng viên. Xem xét, thi hành kỷ luật 99 đảng viên, góp phần giữ nghiêm kỷ luật Đảng…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trên từng lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư chưa tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển và còn bất cập, hạn chế. Một số mặt trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, khóa XII) còn hạn chế; hệ thống chính trị chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ…
|
Các đại biểu tham dự Đại hội. |
Với chủ đề “Phát huy truyền thống cách mạng và anh hùng; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; phấn đấu đến năm 2025 huyện Gia Lâm trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại”, Đại hội đặt ra 6 định hướng phát triển chủ yếu với 2 khâu đột phá là: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch- đẹp đáp ứng yêu cầu thành lập quận; Tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và bản lĩnh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tập trung phát triển toàn diện, xây dựng huyện Gia Lâm sớm trở thành quận
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Gia Lâm đã đạt được trong 5 năm qua. Đồng thời nhấn mạnh trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 còn phức tạp và chưa thể đánh giá đầy đủ tác động đến kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như của Thủ đô…. Do đó, trước mắt, quận cần chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 và chỉ đạo của Thành phố; tổ chức triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế. Chủ động rà soát, cập nhật, điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm kỳ 2015-2020 cho phù hợp tình hình thực tế; tập trung thực hiện đảm bảo hoàn thành kế hoạch…
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội. |
Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Cần chú trọng triển khai thực hiện tốt Đề án “Đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận đến năm 2025”; đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước một bước để hình thành quận mới hiện đại, thông minh, xanh, phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Quá trình phát triển đô thị phải gắn với quá trình phát triển kinh tế đô thị và gắn bó hài hòa hữu cơ với phát triển nông thôn, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Siết chặt công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đảng bộ và Nhân dân Gia Lâm cần nhận thức và luôn có ý thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng huyện Gia Lâm thành quận.
Đồng thời đẩy mạnh phát triển văn hoá - xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, tạo nền tảng tinh thần xã hội vững chắc; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt chú trọng xây dựng con người; quan tâm bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững của huyện...
Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền đô thị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của của cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ để chính quyền thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, phục vụ Nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả… Giải quyết dứt điểm những kiến nghị, khiếu nại chính đáng của Nhân dân; không để phát sinh những điểm nóng về an ninh, trật tự trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ: Tiếp tục xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tập trung vào 4 nhóm giải pháp, gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt với Nhân dân. Thực hiện tốt hơn công tác cán bộ, bao gồm cả việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí..., xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực tốt; chú trọng cán bộ nữ, cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Đáng chú ý, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, quyền làm chủ của Nhân dân; chăm lo xây dựng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, đổi mới phương thức giáo dục, thuyết phục, tập hợp các tầng lớp nhân dân….
Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm sẽ được tổ chức mẫu mực và thành công tốt đẹp, thực sự là đại hội điểm của thành phố, tạo tiền đề đưa huyện phát triển toàn diện, mạnh mẽ, sớm trở thành quận giàu đẹp, văn minh và hiện đại; xứng đáng với bề dày văn hóa, lịch sử vẻ vang và huyện anh hùng của Thủ đô Anh hùng.
Đại hội diễn ra trong 3 ngày (25, 26 và 27/5). Chiều 26/5, Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy khóa XXII; bầu Ban Thường vụ, Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội đề ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025 như sau:
* Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt mức bình quân 3.200 tỷ đồng/năm, phấn đấu đến năm 2025, Gia Lâm tự bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.
* Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
* Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền đô thị, đề cao vai trò trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
* Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng tiêu chí trở thành quận.
Phấn đấu đến năm 2025, huyện Gia Lâm trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại.
* Về công tác xây dựng Đảng: Phấn đấu hơn 97% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên/năm; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt hơn 98%/năm; kết nạp 200 đảng viên mới/năm...
|