Đổi thay sau 25 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận

Thứ ba, 28/03/2017 16:57
Ngày 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đánh giá tổng kết 25 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2017).
Các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất nhận định: Sau 25 xây dựng và phát triển, Ninh Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Ánh - TTXVN.

Kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, giai đoạn 2006-2015 đạt trên 10%. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng bình quân hàng năm của giai đoạn 1992 - 2016 là 8,7%; giá trị GRDP bình quân đầu người tăng 22,1 lần, đạt 30,3 triệu đồng/người vào năm 2016… Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, năm 2016 đạt 2.088 tỷ đồng, tăng 62,7 lần so với năm 1992. 

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Các ngành, lĩnh vực phát triển toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả. Giá trị sản xuất nông lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 7,5%; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm có thương hiệu như nho, táo, dê, cừu. Công nghiệp của tỉnh phát triển khá, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 14%/năm, đã hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến. Dịch vụ và du lịch có nhiều khởi sắc và tăng nhanh, doanh thu du lịch tăng 22,3 lần và đạt 750 tỷ đồng vào năm 2016. 

Tỉnh đã nhận diện và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), kinh tế biển, du lịch. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được cải thiện, nhiều công trình giao thông, hồ chứa, điện, nước, trường học, bệnh viện... được đầu tư đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. Trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư vùng đồng bào dân tộc, miền núi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. 

 Quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát huy khối đại đại đoàn kết toàn dân; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận, tuy tốc độ phát triển kinh tế đạt khá nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa vững chắc, chưa tạo được sự bứt phá trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch; chưa đủ khả năng khai thác có hiệu quả lợi thế về kinh tế biển; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi còn thấp, chưa đồng đều... 

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Ninh Thuận đã đề ra giải pháp, phấn đấu thực hiện mục tiêu: Tập trung huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát huy lợi thế từng ngành, từng sản phẩm đưa nền kinh tế tăng 1,7 lần so năm 2015; tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới... 

Bên cạnh đó, cần chú trọng giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./. 

Đức Ánh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực