Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh (09/02/1907 - 09/02/2022), Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: "Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo".
Phát biểu khai mạc và đề dẫn, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, đồng chí Trường Chinh tên khai sinh là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 trong một gia đình khoa bảng, giàu tinh thần yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục được phân công đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện rõ phẩm chất chính trị kiên định, trí tuệ sắc bén và bản lĩnh sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
|
PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn Tọa đàm |
Phó Giám đốc Lê Văn Lợi yêu cầu các ý kiến tại Tọa đàm tập trung làm rõ các nội dung: Đồng chí Trường Chinh người góp phần to lớn lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở Việt Nam; Đồng chí Trường Chinh - kiến trúc sư của công cuộc đổi mới ở Việt Nam; Đồng chí Trường Chinh - tấm gương người cộng sản mẫu mực không ngừng đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
"Luôn xuất hiện trước những bước ngoặt của cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã thể hiện sự hội tụ những phẩm chất đặc biệt của nhà lãnh đạo tận tụy, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, quyết định mọi vấn đề đúng đắn trước những bước ngoặt đầy khó khăn, thử thách với thái độ dứt khoát, kiên định, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích của đất nước và Nhân dân. Đồng chí thật xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa lớn, nhà lý luận sắc sảo", Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.
Đề cập đến những cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (1945-1954), TS. Dương Minh Huệ nhắc đến vai trò của đồng chí Trường Chinh trong việc góp phần quan trọng trong xây dựng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị lực lượng và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám “là sự kết hợp diệu kỳ nghệ thuật chớp thời cơ, tập hợp lực lượng, phân hóa kẻ thù của lãnh tụ Hồ Chí Minh với những chủ trương, chỉ thị đúng đắn, kịp thời của Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng".
Đồng chí cũng góp phần lãnh đạo củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng và khánh chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Trải qua 15 năm đấu tranh với những gian khổ, hy sinh to lớn, đất nước giành được độc lập, giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời phải đối phó với những thử thách nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân tộc, quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn. Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
|
Theo PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tọa đàm khoa học: "Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo" nhận được 22 tham luận của các nhà khoa học |
Tham luận với nội dung: "Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo kiệt xuất, người khởi xướng công cuộc đổi mới", PGS.TS Trần Minh Trưởng cho rằng, đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
"Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng về lý luận trong sự nghiệp đổi mới. Tháng 7/1986, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng (lần thứ 3). Đây là thời kì hệ thống các nước thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô lâm vào thoái trào, tan rã; đất nước rơi vào khủng hoảng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; các thế lực thù địch bao vây, cấm vận... Một lần nữa, lịch sử lại giao phó sứ mệnh cho nhà cách mạng, nhà lãnh đạo kiệt xuất Trường Chinh.
Với bản lĩnh của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, tuy tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng để có cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng chí Trường Chinh đã nhiều lần đi cơ sở, trực tiếp nắm bắt tình hình hoạt động, sản xuất của các cơ quan, đơn vị; sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương... qua đó thấy rõ được điểm yếu, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, kìm hãm sản xuất..., từ đó xây dựng quyết tâm đổi mới.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội VI, đồng chí Trường Chinh nêu rõ: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Theo đồng chí Tổng Bí thư, Đảng phải tiến hành đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy nhận thức về tư tưởng, lý luận và đổi mới kinh tế", PGS.TS Trần Minh Trưởng nói.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, nói đến đồng chí Trường Chinh là nói đến một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam, trong đó hàm chứa bản lĩnh và tư duy đổi mới, sáng tạo. Đồng chí luôn ủng hộ cách làm mới với những tìm tòi, thử nghiệm xuất phát từ thực tiễn.
Những thí điểm như là một cách “xé rào” của các địa phương không được ghi trong các nghị quyết của Đảng như bán vật tư, nông sản cho nông dân, mua sản phẩm của nông dân theo giá thị trường hay xí nghiệp nhà nước mua thêm vật tư ngoài thị trường và bán sản phẩm theo giá thị trường đem lại những kết quả khả quan mà quan trọng nhất là giải phóng sức sản xuất, nông dân phấn khởi, đời sống người dân được cải thiện.
Đồng chí Trường Chinh trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ cách làm này và kiến nghị Trung ương phải sử dụng nhiều thành phần kinh tế, cả kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân; đồng thời phải vận dụng quy luật giá trị.
|
Quang cảnh Tọa đàm khoa học: "Đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo đổi mới, sáng tạo" |
Tiếp sau Hội nghị Trung ương sáu, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV ra Chỉ thị 100 - CT/TW ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (gọi tắt là Chỉ thị 100) nhằm phát huy quyền làm chủ và tính tích cực trong sản xuất của cá nhân và gia đình, để tạo động lực mới trong sản xuất nông nghiệp. Quyết định 25/CP về “ba phần kế hoạch” và 26/CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/1/1981 về mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và tiền thưởng. Những chỉ thị và quyết định đó góp phần định hướng phát triển kinh tế không chỉ coi kế hoạch là công cụ duy nhất, mà kết hợp cả kế hoạch và thị trường; thị trường có kế hoạch và thị trường không có kế hoạch, PGS.TS Bùi Đình Phong dẫn chứng.
Đồng chí Trường Chinh đã góp phần vào những ý tưởng sơ khai, có ý nghĩa quan trọng trong việc đặt những viên gạch đầu tiên cho đường lối đổi mới, đặc biệt là tìm tòi giải phóng lực lượng sản xuất. Theo đồng chí, “đổi mới công tác quản lý kinh tế, xóa bỏ lối quản lý hành chính quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa…, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động” là biện pháp có ý nghĩa quyết định để chuyển biến tình hình kinh tế hiện nay...
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Trường Chinh trăn trở, suy nghĩ nhiều về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Bằng vốn kinh nghiệm phong phú của thời kỳ cùng Đảng ta lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền và kháng chiến chống xâm lược, đồng chí cho rằng phải có tư duy mới xuất phát từ thực tiễn, từ cuộc sống, phù hợp quy luật khách quan để đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đề cập đến khía cạnh đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, PGS.TS Bùi Đình Phong nhắc lại dấu mốc tháng 9/1984, Bộ Chính trị họp ra kết luận quyết định Đại hội VI của Đảng sẽ tiến hành vào cuối năm 1986. Tháng 5/1986, Hội nghị Trung ương 10 khóa V thảo luận, góp ý kiến, thông qua Dự thảo Báo cáo Chính trị lần thứ nhất và chủ trương đưa dự thảo ra thảo luận ở Đại hội vòng một các cấp sau khi được Bộ Chính trị xem xét, bổ sung, hoàn chỉnh.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh nghiên cứu kỹ văn bản tổng hợp ý kiến đóng góp của Đại hội Đảng bộ các cấp vòng 1. Nhận thấy Dự thảo báo cáo chính trị chưa phản ánh được thực tiễn của đất nước, mà quan trọng nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cán bộ, đảng viên; chưa rút ra được những bài học trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là qua 10 năm sau khi đất nước thống nhất; chưa đề ra được những nội dung đổi mới kinh tế trong thời gian tới, Tổng Bí thư Trường Chinh đề nghị viết dự thảo lần hai do đồng chí trực tiếp chỉ đạo.
Đại hội VI đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện, chứa đựng tinh thần đổi mới cách nghĩ, cách làm, tổ chức và cán bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy kinh tế xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc.
"Để có được Nghị quyết đổi mới ở Đại hội VI, Đảng ta trải qua chặng đường dài, trực tiếp là hơn 7 năm từ bước đột phá đầu tiên ở Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (8/1979), qua bước đột phá thứ hai ở Hội nghị Trung ương 8 khóa V (6/1985) và bước đột phá thứ ba kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế (20/9/1986). Ở các bước đột phá đó đều có dấu ấn của đồng chí Trường Chinh", PGS.TS Bùi Đình Phong nêu rõ.