Trong 2 ngày 27-28/8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV (2020 – 2025).
|
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội (Ảnh: M.P) |
Thu ngân sách tăng 1,6 lần so với nhiệm kỳ 2011-2015
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, trong 5 năm qua, Ban Cán sự Đảng đã phối hợp chặt chẽ với Đảng bộ Bộ Tài chính để cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết của Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ 24 bằng các chương trình hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành các chính sách tài chính ngân sách. Kịp thời nghiên cứu bổ sung, sửa đổi hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Hệ thống thể chế tài chính ngân sách Nhà nước ngày càng hoàn thiện, đảm bảo đồng bộ công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã trình các cấp thông qua Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, 09 Luật, 04 Nghị quyết của Quốc hội, 07 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 144 Nghị định của Chính phủ, 50 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành theo thẩm quyền 887 Thông tư, Thông tư liên tịch để hướng dẫn triển khai thực hiện.
Về công tác điều hành chính sách tài khóa, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác này được thực hiện chủ động, linh hoạt, tăng cường phối hợp các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát phục vụ tăng trưởng kinh tế. Trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã tập trung phấn đấu thực hiện đầy đủ và đồng bộ các giải pháp tài chính– NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, điều hành thu, chi ngân sách quyết liệt, chủ động, kiểm soát chặt bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép, tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa; điều chỉnh lại yêu cầu, mục tiêu về tài chính công, ngân sách nhà nước, quản lý an toàn nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Các kết quả đã đạt được là cơ cấu thu ngân sách nhà nước ngày càng bền vững, quy mô thu ngân sách tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân đạt 24,5% GDP trong đó thu từ phí, lệ phí đạt khoảng 20,5% GDP, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ thu nội địa giai đoạn 2016-2020 tăng dần và đến năm 2020 dự kiến đạt khoảng 84-85%. Chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, cơ cấu chi ngân sách đạt kết quả tích cực, chi đầu tư đạt khoảng 27-28%, chi thường xuyên khoảng 63% (Nghị quyết 07 đặt mục tiêu dưới 64%).
Bội chi bình quân giai đoạn 2015-2019 đạt 3,7% GDP, năm 2019 đạt 3,4% GDP. Nợ công được quản lý chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn an toàn; nợ công, nợ Chính phủ đến cuối 2019 ước đạt 54,7% và 47,7% GDP.
Cơ chế chính sách về quản lý tài sản công có bước đột phá, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công. Quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện về cơ chế, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được nâng cao, quá trình tái cơ cấu, sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đạt được nhiều kết quả quan trọng.
|
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính khóa XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: M.P) |
Đề cao vai trò trách nhiệm của thường trực, thường vụ, các cấp ủy Đảng
Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thân – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tài chính cho biết, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng, điều hành công việc theo Nghị quyết và các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm đúng tiến độ; đề cao vai trò trách nhiệm của thường trực, thường vụ, các cấp ủy Đảng.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa cấp ủy đảng với thủ trưởng chuyên môn các cấp, tập trung lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị gắn với làm tốt công tác Đảng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành Nghị quyết của Đảng, chú trọng xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề. Lựa chọn vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Đảng bộ Bộ Tài chính cũng đề ra 5 giải pháp đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thứ nhất, Đảng ủy phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Ban Cán sự Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế tài chính theo cơ chế thị trường định hướng XHCN với trọng tâm là nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính; thực hiện điều hành giá cả hàng hóa và dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Thứ hai, củng cố tiềm lực, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia trên cơ sở tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ việc cơ cấu lại NSNN và thị trường tài chính; khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính dân cư và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức bộ máy gắn với hiện đại hóa công nghệ quản lý, tài chính – NSNN trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hình thành nền tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.
Thứ tư, tập trung công tác xây dựng Đảng; đẩy mạnh nêu gương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt Đảng; kiên định học tập nghị quyết, lấy công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn liền với đẩy mạnh tự phê bình, phê bình, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, bảo vệ chính trị nội bộ và đoàn kết trong Đảng...
Thứ năm, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, giám sát nhất là tự kiểm tra, giám sát ở Chi bộ, Đảng bộ cơ sở; tuân thủ và thực hiện kỷ luật, kỷ cương của Đảng nhất là chấp hành Điều lệ Đảng, các quy định kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng...
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới là rất to lớn, nặng nề, nhưng với truyền thống đoàn kết, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng, đồng chí Đinh Tiến Dũng tin tưởng sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ trong nhiệm kỳ mới; tin tưởng sự ủng hộ, đoàn kết của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ sẽ lãnh đạo, hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính đề ra.
Đại hội đã bầu 29 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp đó, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XXV đã họp phiên thứ nhất bầu đồng chí Tạ Anh Tuấn - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính giữ chức Bí thư Đảng ủy; bầu ra Ban Thường vụ Đảng uỷ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 10 đồng chí; Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Bộ Tài chính gồm 7 đồng chí.
Đại hội cũng đã bầu 10 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII./.