Hà Giang: CCHC phải đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở

Thứ ba, 05/10/2021 22:34
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đề nghị các cấp, ngành trên địa bàn cần tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo: Công tác cải cách hành chính phải đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
 Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh Hà Giang chủ trì Hội nghị (Ảnh: Thu Phương)

Chiều 5/10, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh nhằm đánh giá công tác CCHC, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 9 tháng đầu năm 2021, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, giai đoạn 2018-2021; triển khai đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, các ý kiến đã đi sâu phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC 9 tháng đầu năm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quý IV năm 2021 nhằm giữ và thăng hạng bền vững các chỉ số liên quan đến CCHC; đề ra các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” gắn với cung cấp dịch vụ số trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị các cấp, ngành cần tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo: Công tác CCHC phải đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở. CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.

Đồng chí nêu rõ, cần phấn đấu hoàn thành 100% nhiệm vụ, mục tiêu CCHC năm 2021; quyết tâm hoàn thành mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, ứng dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC nhằm thực hiện quy trình “5 tại chỗ”...

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. Trong đó, Sở Tư pháp chủ trì, tham mưu duy trì và nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Đề án số 29 của UBND tỉnh; thực hiện đánh giá chỉ số CCHC năm 2021 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bảo đảm khách quan, trung thực, chính xác. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan có giải pháp nâng cao chất lượng các trạm thu phát sóng di động, tăng dung lượng trao đổi thông tin qua hộp thư công vụ, khắc phục các lỗi trên trang Dịch vụ công, hệ thống thông tin điện tử "một cửa"...

Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm soát TTHC 

Báo cáo tại Hội nghị, toàn tỉnh Hà Giang có 1.895 TTHC, trong đó 1.565 TTHC được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4, đạt 100% trên tổng số TTHC đủ điều kiện. Ngoài ra, 449 TTHC được rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định. 93,56% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được giải quyết theo cơ chế “một cửa”; 100% TTHC có quy định liên thông được phê duyệt quy trình liên thông; 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện số hóa hồ sơ, ứng dụng chữ ký số; 10 cơ quan thực hiện quy trình giải quyết TTHC “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.

11/11 huyện, thành phố đã kiện toàn lại các phòng chuyên môn. 13 sở, ngành chủ động xây dựng đề án sắp xếp lại các tổ chức theo hướng giảm đầu mối bên trong; sau sắp xếp đã giảm 23 phòng, theo đó số cán bộ cấp phòng sẽ giảm theo quy định và lộ trình Đề án số 29, ngày 31/5/2021 của UBND tỉnh. Trong hiện đại hóa hành chính, mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được đầu tư tại 222 điểm kết nối tới 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã; tỷ lệ văn bản điện tử phát hành đạt 100% (trừ văn bản mật), trong đó văn bản ký số đạt 90,2%.

Đối với nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI, nhìn chung, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 623 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng thực thi công vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quan tâm triển khai các hoạt động, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” giai đoạn 2018 – 2021./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực