|
Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị. |
Với tinh thần trách nhiệm cao, sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả, chiều 29/6, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (TP) Hà Nội khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Tại phiên họp chiều 29/6, đại diện Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội đã tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường về 6 nội dung: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; Báo cáo về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của TP; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP; Báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP; Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030.
Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các tờ trình, báo cáo, đề án, chương trình của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND TP trình; qua tổng hợp, đã có 85 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND TP; đồng thời thảo luận, làm rõ thêm các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới và nhiều năm tiếp theo.
Làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cơ bản nhất trí với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TP về chủ trương điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp TP; giao Ban Cán sự đảng UBND TP tiếp tục nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, đột phá nhằm thúc đẩy ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành, các địa phương, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt kết quả cao nhất, tối thiểu phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 90%.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tiếp tục siết mạnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Sở, ngành nào; ban quản lý dự án, địa phương, đơn vị nào để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, được xác định do nguyên nhân chủ quan, do ý thức trách nhiệm kém thì nhất quyết phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định.
Về tình hình kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch và tiến độ đề ra đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVD-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh...
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu bế mạc hội nghị. |
Về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố, đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý tiếp cận vấn đề với tư duy đổi mới, đột phá, xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố.
Đối với tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố, đồng chí yêu cầu tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp đã nêu trong báo cáo và ý kiến phát biểu của đại biểu dự họp để khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai; cần nghiên cứu việc chuyển hình thức đấu giá quyền sử dụng đất sang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của thành phố.
Về dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP cơ bản thống nhất và đánh giá, dự thảo Chương trình hành động đã bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng lớn, khâu đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) và tình hình thực tiễn.
Về Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất việc nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Trong đó lưu ý phát triển nhà ở phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm văn minh, hiện đại, thông minh; bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở như nhau đối với từng loại hình phát triển nhà ở. Định hướng phát triển nhà ở xã hội theo hướng đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, bảo đảm văn minh, hiện đại…/.