Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công trình, dự án trọng điểm

Thứ ba, 18/10/2022 21:01
(ĐCSVN) - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP và các sở, ngành chức năng của Thành phố rà soát lại các nội dung, tiến độ để đôn đốc các đơn vị thực hiện; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những khó khăn về chủ trương đầu tư, vốn. Đối với những dự án chậm triển khai cần kiên quyết loại bỏ.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHà Nội phát biểu tại buổi làm việc 

Ngày 18/10, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, do đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội làm trưởng Đoàn, đã làm việc với Ban cán sự Đảng UBND TP về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Thành phố. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.  
 
Báo cáo với Đoàn giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND TP trình HĐND TP phê duyệt danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 và được HĐND TP phê duyệt tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 với 39 công trình với tổng mức đầu tư dự kiến là 360.980,9 tỷ đồng. Trong đó, gồm: 32 công trình có sử dụng vốn ngân sách (08 công trình chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; 07 dự án mới hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; 17 dự án triển khai thực hiện đầu tư và dự kiến hoàn thành sau giai đoạn 2021-2025); 06 công trình đầu tư theo hình thức xã hội hóa (01 dự án mới hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; 05 dự án triển khai thực hiện đầu tư và dự kiến hoàn thành sau giai đoạn 2021-2025); 01 công trình chuyển tiếp đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BT) hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. 

Trong số 39 dự án, thì có 17 dự án cần hoàn thành trong nhiệm kỳ (9 dự án chuyển tiếp và 8 dự án mới). Đáng lưu ý, trong 8 dự án mới, có 6 dự án đến nay chưa xong bước phê duyệt chủ trương đầu tư; trong 9 dự án chuyển tiếp, có 5 dự án phải hoàn thành trong năm 2022 nhưng tiến độ đã phải kéo dài. Điển hình như: Dự án xử lý Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, Nhà máy nước thải Yên Xá, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Cũng theo đồng chí Dương Đức Tuấn, trong quá trình thực hiện còn gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao và chậm các thủ tục phê duyệt dự án. “Trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường. Đây là khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Khó khăn do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu. Có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí vốn. Do vậy, cả dự án chuyển tiếp và dự án mới đều rất hạn chế trong việc hấp thụ vốn...” - đồng chí Dương Đức Tuấn phân tích.
 
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả Ban cán sự Đảng UBND TP đã đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Đồng ý với những tồn tại, hạn chế mà báo cáo đã chỉ ra, thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, so với kế hoạch đã đề ra, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm hiện vẫn còn chậm. Theo đó, các thành viên đề nghị UBND TP và các đơn vị liên quan trong thời gian tới cần đánh giá, làm rõ những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp thực hiện. Đặc biệt, cần chỉ rõ, các cơ quan đã làm hết trách nhiệm chưa, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình thực hiện không.
 
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho rằng, phải tìm và chỉ rõ nguyên ngân chậm để tháo gỡ, như vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) thì phải chỉ ra bao nhiêu dự án, tại sao vướng…Nhưng có một nguyên tắc cần phải thực hiện nghiêm, đó là thẩm quyền của ai người đó phải chịu trách nhiệm, phải xử lý.  
 
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát, đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ngành, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ được giao, sớm bổ sung các nội dung, phần việc đã thực hiện để hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát. Trong đó cần làm rõ những khó khăn, tồn tại, trách nhiệm của đơn vị và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các sở, ngành cần có kế hoạch dài hạn đầu tư công cho giai đoạn 2026-2030, phải tự cởi trói tư duy để thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động. Đồng chí mong muốn, thông qua đợt giám sát sẽ tìm ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, từ đó giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn.
  
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là qua giám sát cần chỉ rõ những tồn tại hạn chế tại đâu, chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp và kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ.  Do vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng chí lưu ý cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể để thực hiện. Trong 39 dự án có những dự án sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này nhưng cũng có những dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn sau, do đó, việc quan trọng nhất là phải cụ thể từng nội dung công việc, giao nhiệm vụ, thực hiện chủ trương cụ thể, rõ ràng.
 
Đồng chí Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP và các sở, ngành chức năng của Thành phố rà soát lại các nội dung, tiến độ để đôn đốc các đơn vị thực hiện; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những khó khăn về chủ trương đầu tư, vốn. Đối với những dự án chậm triển khai cần kiên quyết loại bỏ.
 
Đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý các đơn vị cần chỉ rõ nguyên nhân, do tái định cư hay do quy trình thực hiện; có sự phân công phân nhiệm cụ thể tới từng thành viên; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.../. 

Trọng Toàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực