Sáng 19/11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ mười chín) để xem xét, ban hành các nội dung triển khai, thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH thành phố, Thường trực HĐND, UBND, đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố…
|
Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tại kỳ họp thứ mười chín, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, ban hành 11 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai, thi hành Luật Thủ đô. |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, căn cứ các quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, HĐND thành phố quyết định triệu tập kỳ họp để kịp thời xem xét, quyết nghị về một số nội dung để kịp thời triển khai, thi hành Luật Thủ đô.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, gồm 7 chương, 54 điều và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Để triển khai, thi hành Luật Thủ đô, Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, xác định rõ lộ trình và phân công trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản của thành phố để cụ thể hoá các quy định của Luật, đảm bảo đồng bộ, kịp thời, chất lượng, hiệu quả, đúng quy trình, quy định.
Theo kế hoạch, HĐND thành phố sẽ ban hành 89 nghị quyết, gồm 76 nội dung quy phạm pháp luật và 13 nội dung văn bản cá biệt.
Dự kiến trong năm 2024 sẽ ban hành 28 nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 để đảm bảo cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô, trong đó tại kỳ họp thứ 19 này, HĐND thành phố sẽ xem xét, ban hành 11 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai, thi hành Luật Thủ đô.
|
Quang cảnh kỳ họp. |
Cụ thể, gồm các nhóm vấn đề, như: Quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của thành phố và các quận, huyện, thị xã; quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố; việc chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại các xã, phường, thị trấn.
Quy định việc ký hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm tại các cơ quan của thành phố và UBND các huyện; quy định về phân cấp, uỷ quyền của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố cho các ban quản lý dự án, giám đốc ban quản lý dự án của thành phố; của chủ tịch UBND cấp xã cho công chức thuộc UBND cấp xã.
Quy định về điều kiện, thủ tục xét tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô; Quy định áp dụng các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm; Quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch …
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tại kỳ họp, HĐND thành phố xem xét 4 nội dung quan trọng, để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của thành phố gồm: Chính sách tiếp tục hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ; Đề án giao thông thông minh của thành phố; nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng của một số khu công nghiệp; quy định về thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố…
Kỳ họp thứ mười chín HĐND thành phố với những nội dung rất quan trọng, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung, tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, thẳng thắn, chất lượng và quyết nghị các nội dung theo chương trình kỳ họp…/.