HĐND TP Hà Nội: Chất vấn 2 nhóm vấn đề “nóng” cử tri quan tâm

Thứ tư, 05/07/2023 14:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sáng 5/7, Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 2 nhóm vấn đề “nóng” là cải cách hành chính, chuyển đổi số. Trong đó, HĐND tái chất vấn việc thực hiện quyết nghị, kết luận của HĐND còn chậm, chưa hiệu quả nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp giải quyết.
 Các đại biểu tham dự phiên chất vấn sáng 5/7.

Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Làm rõ địa chỉ, trách nhiệm đối với những vấn đề được đưa ra chất vấn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, HĐND thành phố dành thời gian một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Về nhóm vấn đề chất vấn, tái chất vấn, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các vấn đề xã hội quan tâm và kết quả tổng hợp phiếu đề xuất vấn đề chất vấn, căn cứ các quy định và dự kiến chương trình kỳ họp, Thường trực HĐND TP đã có văn bản và gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu HĐND TP về dự kiến 2 nhóm vấn đề để quyết định chất vấn tại kỳ họp này.

Qua tổng hợp, đa số các ý kiến của đại biểu HĐND TP đều tán thành, thống nhất cao lựa chọn 2 nhóm nội dung đang được cử tri và nhân dân rất quan tâm, đó là: HĐND TP tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa và những vấn đề đã được HĐND, Thường trực HĐND TP quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND TP đã tổ chức 3 phiên chất vấn, Thường trực HĐND TP tổ chức 1 phiên chất vấn và 2 phiên giải trình. Nhiều nội dung, vấn đề sau chất vấn, giải trình đã được UBND TP, các sở, ngành và các cơ quan liên quan thuộc thành phố tập trung triển khai, thực hiện và có những chuyển biến rõ nét.

 Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5/7.

Tuy nhiên, qua báo cáo của UBND TP; qua giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu HĐND TP và ý kiến, kiến nghị của cử tri, một số nội dung, vấn đề đã được HĐND, Thường trực HĐND TP quyết nghị, kết luận nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả, cần được tái chất vấn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình và có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Thứ hai, HĐND TP chất vấn về nhóm vấn đề: công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố... Đây là nội dung quan trọng, cần thiết, được Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ và đồng chí Bí thư Thành uỷ rất quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Với những cơ sở nêu trên, vấn đề này cần được HĐND TP chất vấn để xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và lộ trình, giải pháp khắc phục.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tích cực tham gia đặt câu hỏi, tranh luận (nhất là các vị đại biểu không phải là đại biểu chuyên trách) với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, làm rõ những vấn đề cần quan tâm để phiên chất vấn đạt kết quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị người trả lời chất vấn phải trả lời đúng nội dung, đúng trọng tâm, thẳng vào những nội dung được hỏi, giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là việc đã cam kết mà hiện nay tiến độ chưa đảm bảo, chưa hoàn thành và phải đưa ra thời gian, lộ trình cụ thể và giải pháp thực hiện để cử tri và đại biểu HĐND TP theo dõi, giám sát. Thời gian trả lời tối đa là 3 phút cho một vấn đề theo tinh thần "hỏi nhanh, đáp gọn".

Xử lý dứt điểm các dự án sử dụng đất chậm triển khai

Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận và những vấn đề đã hứa, cam kết tại các phiên chất vấn, giải trình của HĐND TP, Thường trực HĐND TP từ đầu nhiệm kỳ đến nay, về rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, với số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và xuyên suốt của các cấp, các ngành thành phố; nhưng cũng là nhiệm vụ lớn, phức tạp mà Thành ủy, HĐND TP giao.

Do đó, cần tập trung thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả từ thành phố đến cơ sở; tiếp tục tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, dứt điểm các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông báo cáo tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành thành phố và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xử lý nghiêm các trường hợp không khắc phục, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm, chây ì, không chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền; tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật; trong đó tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm còn lại (nằm trong 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất); tiếp tục kiểm tra, thanh tra và kết luận đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông thông tin, đến nay, UBND TP đã xem xét, chỉ đạo đối với: 64 dự án tại huyện Mê Linh; 11 dự án tại huyện Quốc Oai; 28 dự án tại huyện Thạch Thất; 50 dự án tại quận Cầu Giấy và 62 dự án tại quận Nam Từ Liêm.

Về quy hoạch xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thành phố đã phê duyệt: 35/35 đồ án quy hoạch phân khu; 14/14 Quy hoạch chung huyện, thị xã; 11/11 Quy hoạch chung thị trấn; 3/3 Quy hoạch thị trấn sinh thái; 5/5 đồ án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh; 06/31 Quy hoạch phân khu khu đô thị vệ tinh; 401/401 Quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

UBND TP cũng đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 308 xã (293 xã được phê duyệt, đạt 95,12%; đang lập, chưa phê duyệt: 06 xã, đạt 1,94%; chưa lập quy hoạch 9 xã, khoảng 2,92% thuộc huyện Gia Lâm); tổng số điểm dân cư nông thôn cần lập quy hoạch chi tiết: 626 điểm (đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết 140 điểm, đạt 22,36%; đang thực hiện lập, chưa phê duyệt 297 điểm, đạt 47,44%; chưa lập quy hoạch 202 điểm, khoảng 32,26%)...

Đối với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, đồng chí Nguyễn Trọng Đông cho biết, các sở, ngành thành phố đã tăng cường, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện công vụ, từng bước được chuẩn hóa, thay đổi tư duy, phong cách làm việc, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân; nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả; thực hiện và duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông với các thủ tục hành chính được cải cách, bảo đảm 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí.../.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực