Điều khoản chuyển tiếp của Nghị quyết nêu rõ, biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP sau khi được thành lập không vượt quá số lượng biên chế công chức được phê duyệt của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND TP trước khi thực hiện thí điểm hoặc hợp nhất. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP sau khi được thành lập thực hiện theo quy định của Chính phủ.
|
Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết. |
HĐND TP giao Thường trực HĐND TP thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ để quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP...
HĐND TP cũng giao UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan bố trí trụ sở làm việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP, bảo đảm sử dụng cơ sở vật chất phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, phối hợp với Thường trực HĐND TP báo cáo HĐND TP quyết định bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
UBND TP cũng phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP theo quy định để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và bố trí biên chế phù hợp; chỉ đạo giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động dôi dư của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP sau khi thành lập theo quy định của Chính phủ và các quy định khác của TP; chỉ đạo tổ chức tiếp nhận cơ sở vật chất, kinh phí và biên chế công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
* Cũng trong sáng nay, 91/91 đại biểu HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc thành lập, đặt tên tổ dân phố từ các khu vực dân cư mới hình thành; trên cơ sở chia tách các tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn, sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình nhỏ.
Nghị quyết quy định về việc thành lập 28 tổ dân phố từ khu vực dân cư mới hình thành tại các quận. Cụ thể, quận Thanh Xuân thành lập 18 tổ dân phố; quận Long Biên thành lập 2 tổ dân phố; quận Cầu Giấy thành lập 6 tổ dân phố; quận Đống Đa thành lập 2 tổ dân phố.
Đối với việc thành lập tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách các tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn, Nghị quyết quy định thành lập 33 tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách 10 tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn (từ hơn 1.000 đến dưới 6.000 hộ gia đình) thuộc các quận. Cụ thể, quận Cầu Giấy chia tách 1 tổ dân phố để thành lập 3 tổ dân phố mới; quận Nam Từ Liêm chia tách 2 tổ dân phố để thành lập 5 tổ dân phố mới; quận Bắc Từ Liêm chia tách 7 tổ dân phố để thành lập 25 tổ dân phố mới.
Đối với việc thành lập thôn, tổ dân phố mới trên cơ sở sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình nhỏ, Nghị quyết quy định việc thành lập 31 thôn, tổ dân phố (24 thôn, 7 tổ dân phố) trên cơ sở sáp nhập 58 thôn, tổ dân phố (44 thôn, 14 tổ dân phố) tại các quận, huyện. Trong đó, quận Hà Đông sáp nhập 8 tổ dân phố để thành lập 4 tổ dân phố mới; huyện Gia Lâm sáp nhập 50 thôn, tổ dân phố để thành lập 27 thôn, tổ dân phố mới.
Việc kiện toàn này sẽ tăng 24 thôn, tổ dân phố (tăng 44 tổ dân phố, giảm 20 thôn) của TP. Như vậy, toàn TP Hà Nội sẽ có 5.393 thôn, tổ dân phố (2.359 thôn, 3.034 tổ dân phố)./.