|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực |
Có thể nói, sau khi bài viết được các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải, rất nhiều cán bộ, đảng viên, chuyên gia, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân đã rất phấn khởi và thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên đều nhận định bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có ý nghĩa rất quan trọng, sâu sắc, toàn diện, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân có cái nhìn tổng thể về bối cảnh đất nước hiện nay, những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, thách thức cũng như những mục tiêu, định hướng lớn để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời gian tới. Từ đó khơi gợi lên từ trong sâu thẳm mỗi người trách nhiệm cống hiến, khát khao đóng góp đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc.
Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ, đảng viên khẳng định, với kết cấu mạch lạc, lời văn chân thành, dung dị, thẳng thắn, bài viết vừa thấm đẫm thực tiễn đời sống, vừa thể hiện tầm cao lý luận, tràn đầy tình cảm yêu nước với những trăn trở, suy tư của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, bài viết không chỉ có sức thuyết phục mà còn lay động con tim, khối óc của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, với mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao đã thể hiện tầm nhìn và chiến lược dài hạn của Đảng và của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra tầm nhìn không phải 5 năm tới mà nhìn dài hơn đến năm 2030, năm 2045, tức là 100 năm thành lập nước. Tầm đánh giá và tầm nhìn không phải một nhiệm kỳ mà là một đường hướng phát triển cho cả một giai đoạn mới.
Cùng quan điểm về vấn đề tầm nhìn trong bài viết, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đặt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là một điểm mới trong việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây không chỉ hoạch định đường lối phát triển của đất nước 5,10 năm tới mà còn chính là hoạch định đường lối, một tầm nhìn dài rộng hơn đến giữa thế kỷ 21. Mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao là vấn đề còn phải tiếp tục thảo luận, từ đó có thêm thống nhất trong việc xác định mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là một tầm nhìn rất cụ thể và cần thiết. Tầm nhìn này chỉ cho chúng ta một định hướng lớn để có một kế hoạch cụ thể trong từng thời gian, đồng thời cũng là vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu… Từ Hội nghị Trung ương 10, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có tính định hướng rất cao, giúp nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của đại hội, từ đó xác định rõ ràng hơn, cao hơn trách nhiệm phải làm thật tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm tổ chức thành công đại hội. Đối với Hà Nội, bài viết còn là cơ sở cho các tiểu ban phục vụ tổ chức đại hội. Trước hết là Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội rà soát lại từng phần việc, từng nội dung các dự thảo văn kiện, nhất là dự thảo Báo cáo chính trị để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Từ đó xác định chính xác phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá, giải pháp thực hiện nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.
|
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong |
Đề cập đến công tác cán bộ trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, PGS.TS Lê Văn Yên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật lập luận: Bác Hồ nói "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Do đó, công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt," có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ. Vì vậy, vấn đề chọn nhân sự là rất quan trọng. Chúng ta gần đây thấy một số cán bộ cao cấp mắc vào tệ quan liêu tham nhũng, đó là những vấn đề không thể chấp nhận trong Đảng. Do đó, vấn đề lựa chọn cán bộ bây giờ là phải tìm được những người đủ đức, đủ tài. Đức là về phẩm chất đạo đức mà Bác Hồ nói là gốc của người cách mệnh và tài là tài năng để mà giải quyết tất cả những công việc, nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Đây là vấn đề mà Đảng ta suy nghĩ trong các kỳ đại hội về lựa chọn cán bộ kế cận… Và trong quá trình đó chúng ta phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, đề cao vai trò của nhân dân trong đánh giá cán bộ. Bác Hồ từng nói dân là tai mắt, mọi việc điều tra thì phải dựa vào dân thì sự nghiệp của chúng ta sẽ thành công lớn... Chính bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kế thừa và phát triển tư tưởng “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, phải thật sự tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Một số ý kiến cũng cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngoài việc khẳng định tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Bài viết cũng đã chỉ ra được nhiều bài học kinh nghiệm rất sinh động, có tính thực tiễn cao đã được đúc rút từ nhiệm kỳ trước, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta hôm nay.
Một số chuyên gia lưu ý, “Phát triển nhanh và bền vững” được xác định là mục tiêu chiến lược của đất nước ta trong giai đoạn tới. Để đạt mục tiêu đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết: Cần huy động cả nguồn lực vật chất và tinh thần để tiếp tục bứt phá, vươn lên; phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó chính là động lực, tâm huyết, trí tuệ và là "ý Đảng, lòng Dân" hòa quyện với một khát vọng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường./.