Sáng 26/11, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc với Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và nhiệm vụ thời gian tới. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền và đại diện các sở, ban, ngành thành phố.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Tính đến giữa tháng 11/2021, tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn là gần 165 nghìn người. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, song 11 tháng năm 2021, các khu công nghiệp của Hà Nội thu hút đầu tư được 7 dự án mới với vốn đăng ký 27 triệu USD và 315 tỷ đồng; 26 dự án đầu tư mở rộng với vốn đăng ký 147 triệu USD và 2.039 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 275 triệu USD quy đổi (đạt 92% so với kế hoạch năm 2021 và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020).
Trong công tác xây dựng Đảng, đã kết nạp mới 99 đảng viên (đạt 110% chỉ tiêu); thành lập 5 tổ chức Đảng (đạt 166% chỉ tiêu); thành lập 13 tổ chức Công đoàn (đạt 130% kế hoạch), 4 tổ chức Đoàn Thanh niên (đạt 100% kế hoạch)… Đến nay, Đảng bộ các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hiện có 94 tổ chức Đảng, 1.178 đảng viên
Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thành lập 4.600 Tổ an toàn COVID-19 với khoảng 20.000 thành viên. Tổng số lao động của các doanh nghiệp đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 là 164.300 người (đạt 99%) và tiêm mũi 2 được khoảng 143.990 người (chiếm 88%). Ban Quản lý cũng đã phối hợp với UBND các quận, huyện thành lập 11 trạm y tế, tổ y tế lưu động; tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tiêm đủ vắc xin mũi 2 cho người lao động…
Tuy nhiên, hiện nay, sau 13 năm chưa có thêm các khu công nghiệp thành lập mới; sự phối hợp của Ban Quản lý trong vai trò quản lý nhà nước với các sở, ban, ngành thành phố có lúc chưa chặt chẽ; mối quan hệ giữa Đảng ủy các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội với các Đảng ủy Khối cũng hạn chế…,
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, hầu hết các địa phương đều quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế. Vì thế, vai trò, nhiệm vụ của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất luôn được đặc biệt quan tâm. Đồng chí mong muốn, Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ được giao. Cùng với việc xúc tiến thành lập mới 3-5 khu công nghiệp, cần rà duyệt tổng thể để các khu công nghiệp thuận lợi về quy hoạch, giao thông, qua đó phát triển đồng bộ các khu công nghiệp trên nền tảng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của cả nước. Chính vì vậy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã được trao những đặc thù về vai trò, nhiệm vụ để góp phần làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô.
Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính của Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng biểu dương nỗ lực của đơn vị trong việc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm tốt vấn đề xử lý nước thải, rác thải tại các dự án trước khi được phê duyệt, cấp phép đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp, chế xuất…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Đảng ủy, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Trong đó, tập trung rà soát các quy định hiện hành; làm tốt công tác xây dựng, phát triển Đảng và sản xuất kinh doanh; nỗ lực phát triển các đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Công đoàn để giữ vững mối quan hệ hài hòa giữa người lao động và chủ doanh nghiệp; giữ vững an ninh, an toàn trong các khu công nghiệp và chế xuất; tăng cường làm tốt công tác quản lý, cấp phép tại các khu công nghiệp và chế xuất thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuế, hải quan để hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp…
Cùng với đó, cần thích ứng an toàn, linh hoạt với diễn biến của dịch COVID-19, khẩn trương vận hành các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp và chế xuất. Đặc biệt, cần xây dựng dữ liệu dân cư quốc gia để quản lý chặt chẽ lao động; phối hợp với các sở, ban, ngành hỗ trợ người lao động theo đúng các chủ trương chung; xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương có các khu công nghiệp và chế xuất để chung tay quản lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh…/.