Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh

Thứ năm, 12/12/2024 07:55
(ĐCSVN) - Chiều 11/12, Đoàn Công tác Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp do Bộ Trưởng Nguyễn Hải Ninh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chính về nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự buổi làm việc, phía TP .Hồ Chí Minh có Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi. Phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc…

Buổi làm việc nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo với công tác tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong đó, tập trung một số lĩnh vực quan trọng như xây dựng văn bản vi phạm pháp luật, thi hành án dân sự, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thi hành án, công tác hành chính liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Theo báo cáo, năm 2024, trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng tăng, đa dạng và phức tạp, 03 cấp Tư pháp Thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, tham mưu có hiệu quả cho các cấp chính quyền của Thành phố trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cải cách thể chế, trong đó tập trung  xây dựng thể chế để triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, Nghị định 84/2024/NĐ-CP, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chỉ thị 1 số 39, các Luật gắn liền với sự phát triển của thành phố, xây dựng nhiều chính sách đặc thù chăm lo các đối tương yếu thế mang nghĩa nhân văn và xã hội to lớn; đồng thời thể hiện vai trò tích cực và trách nhiệm trong tham gia ý kiến pháp lý trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của Thành phố tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực.

Đến nay, ngành Tư pháp Thành phố đã cơ bản hoàn thành tốt chương trình công tác năm và các nhiệm vụ Thành phố giao, đóng góp tích cực trong các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố nói chung và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ Thành phố khóa XI nói riêng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ Trưởng Mai Lương Khôi cho biết, TP.Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu về số hoá sổ hộ tịch, bảo đảm tiến độ theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ- CP. Cụ thể, Thành phố đã triển khai số hoá 04 loại sổ hộ tịch (Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký khai từ và Sổ đăng ký nhận cha mẹ con), đã chuyển vào CSDLHTĐT 11.722.338/12.814.424 dữ liệu cần số hoá (đạt trên 95%); còn lại 355.350 dữ liệu (chiếm 5%) chưa đẩy được vào CSDLHTĐT do trùng dữ liệu (Cục HTQTCT đã có Công văn số 605/HTQTCT-HT ngày 28/5/2024 hướng dẫn Thành phố cách thức xử lý dữ liệu trùng).

Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh là một trong hai thành phố triển khai thí điểm quy trình liên thông đăng ký kết hôn, cấp xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến từ tháng 1/2024. Tính từ ngày 06/3/2024 đến ngày 31/10/2024, UBND cấp huyện đã tiếp nhận 94 hồ sơ, UBND cấp xã đã tiếp nhận 1.206 hồ sơ liên thông đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến.

Thứ Trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Thành phố tiếp tục thực hiện số hoá đối với các sổ hộ tịch còn lại (bao gồm Sổ đăng ký giám hộ; Số đăng ký chấm dứt giám hộ; Sổ ghi chú ly hôn và Sổ đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân); đối với các sổ hộ tịch đã thực hiện xong việc số hoá, đề nghị Sở Tư pháp có kế hoạch rà soát, đối chiếu dữ liệu, bảo đảm dữ liệu được số hóa đúng, đủ, sạch, sống nhằm quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hiệu quả

Trong năm 2024, các cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đã thi hành xong trên 58 nghìn việc, tương ứng với gần 35 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng gần 30% lượng tiền thi hành xong của toàn Hệ thống. Kết quả công tác Thi hành án dân sự, công tác thu hồi tài sản của Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trực tiếp góp phần tích cực đến kết quả thi hành án chung của toàn quốc.

Phát biểu buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, hướng dẫn cho ngành tư pháp Thành phố trong đào tạo nhân lực, giải quyết tranh chấp quốc tế, thi hành án trên địa bàn…

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp hỗ trợ Thành phố trong công tác thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố, đồng thời thí điểm kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch điện tử của người dân Thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp và các Ban, Sở, ngành của Thành phố quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: ưu tiên, tập trung hơn nữa nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tăng cường công tác phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan trong việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp quốc tế; phát huy hơn nữa vai trò của Sở Tư pháp trong công tác giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh ở địa phương; Chuẩn bị tốt nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Thành phố tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các dịch vụ công; chỉ đạo các ban, sở, ngành tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Tư pháp trong việc kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin dữ liệu và xử lý vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực tư pháp.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh từng được xem là vùng năng động, sáng tạo, đổi mới của các thế hệ trước và cũng từ đây Trung ương đã rút ra nhiều bài học tổng kết để nhân rộng, thậm chí có những thử nghiệm để quy chế thành pháp luật. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đồng ý thành lập Ban chỉ đạo thi hành án dân sự để thuận lợi trong việc chỉ đạo và cần ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc để nâng cao chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên thống nhất 07 nhóm nội dung chương trình hợp tác để hai bên tìm phương cách tốt nhất giải quyết những vấn đề có lợi cho dân, cho đất nước. Đồng thời, đề nghị Thành phố tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tư pháp tại buổi làm việc./.

Tin, ảnh: Đức Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực