Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội

Thứ ba, 18/01/2022 09:49
(ĐCSVN) - Năm 2021, căn cứ diễn biến dịch bệnh COVID-19, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động điều chỉnh hình thức, phương thức, thời gian thực hiện các nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, dù đại dịch làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội nhưng các hoạt động giám sát, phản biện ngày càng đi vào thực chất.
leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiểm tra công tác bầu cử tại phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh.  

Giám sát ngày càng nâng cao

Mặc dù đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2021, nhưng Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn thực hiện cơ bản các nội dung theo nhiệm vụ được phân công và những nhiệm vụ phát sinh. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp.

Trong năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ động triển khai 7 chương trình giám sát: Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; Giám sát Luật Đất đai năm 2013; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp thông qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân; Phối hợp thực hiện các hoạt động giám sát theo Chương trình, Quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan.

Trong đó phải kể đến công tác giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh đã chủ trì tổ chức 480 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử, phối hợp, tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát 845 đoàn; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã chủ trì tổ chức 2.764 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử, phối hợp, tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát 4.269 đoàn; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đã chủ trì tổ chức 18.490 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bầu cử, phối hợp, tham gia thực hiện kiểm tra, giám sát 23.696 đoàn công tác bầu cử. Việc giám sát của MTTQ Việt Nam đã giúp các tổ chức phụ trách bầu cử kịp thời khắc phục hạn chế, điều chỉnh những thiếu sót, bảo đảm các điều kiện ở các điểm bầu cử, cử đại diện chứng kiến, giám sát việc bỏ phiếu, kiểm phiếu theo quy định...

Cùng với đó, việc triển khai giám sát một số chuyên đề được hướng dẫn triển khai thống nhất trong toàn hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở, mang lại những kết quả đáng ghi nhận như việc giám sát đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương về thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình giám sát phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp kịp thời ban hành công văn đề nghị cấp ủy địa phương rà soát để xử lý đúng quy định.

MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã triển khai một số nội dung giám sát theo yêu cầu thực tế của địa phương như: thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; giám sát công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; về hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở tại các huyện, thành phố; việc thực hiện chính sách đối với các đối tượng cai nghiện ma túy tại các cơ sở tập trung…

Theo báo cáo của 63/63 Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương, trong năm 2021 đã tổ chức 22.559 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì giám sát 475 cuộc, cấp huyện giám sát 3.500 cuộc, cấp xã giám sát 18.584 cuộc; tổng số hoạt động giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là 29.526 cuộc.

Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp, đã huy động được nguồn lực của địa phương, có sự phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Sau giám sát, Mặt trận các cấp đã kịp thời kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập, rà soát chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng với tình hình, góp phần giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.

Phản biện ngày càng thực chất

Cùng với giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tích cực thực hiện công tác phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp ý vào các dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành; các dự thảo, báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại các kỳ họp HĐND.

Các hội nghị phản biện xã hội do MTTQ các địa phương thực hiện thường tập trung vào các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, như Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, các chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân ở địa phương. Thực tế đã khẳng định hoạt động phản biện xã hội đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia… đóng góp những ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu và điều chỉnh phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như nguyện vọng của nhân dân.

Qua hội nghị phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã được các cơ quan tiếp thu, là kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Điển hình như Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Đề án: "Xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội"; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp quận, huyện, thị xã tổ chức 22 hội nghị phản biện xã hội và góp ý vào 18 văn bản... Các hội nghị phản biện xã hội ở các cấp ngày càng được nâng cao về chất lượng, các ý kiến tham gia phản biện được chính quyền các cấp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để các chủ trương, chính sách được thực hiện khả thi...

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội Đề án: "Xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội". 

Theo báo cáo của 63/63 Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương, trong năm 2021 đã tổ chức 4.819 cuộc phản biện xã hội, trong đó: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, chủ trì phản biện xã hội được 162 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, chủ trì phản biện xã hội được 696 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, chủ trì phản biện xã hội được 3.961 cuộc.

Theo Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sau giám sát và phản biện xã hội, các ý kiến, kiến nghị của Mặt trận được kịp thời gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị khắc phục những hạn chế, bất cập, rà soát chính sách, pháp luật phù hợp, đáp ứng với tình hình, góp phần giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.

Thực hiện giám sát, phản biện từ sớm, từ xa

Trong năm 2022, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt ra yêu cầu công tác giám sát và phản biện xã hội cần có sự đổi mới theo hướng chủ động, thực chất, hình thức phù hợp, đáp ứng tình hình thực tế. Cùng với đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm bắt, tập hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để lựa chọn nội dung giám sát, thực hiện giám sát từ sớm, từ xa, giám sát đột xuất những vấn đề nổi cộm, bức xúc.

Theo đó, MTTQ Việt Nam tập trung trung giám sát một số nội dung như: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giám sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...

Cũng trong năm 2022, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tập trung giám sát một số nội dung như: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, về an toàn, vệ sinh lao động, về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp và việc thực hiện Quy chế dân chủ nơi làm việc trong doanh nghiệp; giám sát việc quản lý sử dụng đất trồng lúa, chính sách tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; giám sát việc thực hiện các quy định của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa về hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết có thể bổ sung mới nội dung thực hiện giám sát khi phát sinh vụ việc, vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản có liên quan

Đối với hoạt động phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam cũng rà soát những nội dung, lĩnh vực mà cử tri, nhân dân quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân để tập trung thực hiện phản biện. Trong năm 2022, MTTQ Việt Nam sẽ phản biện xã hội vào một số dự thảo văn bản pháp luật như: Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Các tổ chức chính trị - xã hội tập trung phản biện những Dự thảo liên quan đến tổ chức mình như: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng; Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).../.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực