Ninh Bình: Hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững

Thứ năm, 07/07/2022 16:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Những thành tựu, kết quả đạt được cho thấy Nghị quyết 54-NQ/TW đã đi vào cuộc sống và sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đã thay đổi rõ nét, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội gấp hàng chục lần so với 2005. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện…
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu Kết luận Hội nghị

Ngày 7/7, tại Ninh Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Bình.

Quy mô nền kinh tế gấp 14,5 lần so với năm 2005

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Ninh Bình đã xác định rõ việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 54/NQ-TW là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần thiết trong việc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh. Sau 17 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa Ninh Bình phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng mong muốn Hội nghị hôm nay là dịp để Ninh Bình được lắng nghe những ý kiến phân tích, đánh giá và góp ý của các đại biểu để không chỉ giúp Ninh Bình hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và còn giúp Ninh Bình có thêm những giải pháp, hướng đi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.

 Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình phát biểu khai mạc Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết, vượt qua diễn biến phức tạp của thiên tai, thời tiết, dịch bệnh cũng như những biến động bất thường về giá cả, lạm phát, chính trị thế giới đặc biệt là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và đại dịch COVID-19, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã từng bước khắc phục khó khăn, để kiên định hướng đi và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực, thực hiện nhiều quyết sách đúng đắn để tổ chức thực hiện. Do vậy, kinh tế xã hội của tỉnh qua các giai đoạn có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Kinh tế đạt được mức tăng trưởng khá qua các giai đoạn, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2005-2010 (theo giá so sánh 1994) đạt 15,6%/năm; giai đoạn 2011-2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 7,7%/năm; tính cả giai đoạn 2005-2020 (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 11,04%/năm. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, giá trị GRDP (theo giá hiện hành) của tỉnh năm 2021 đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2005 (năm 2005 đạt 4,97 nghìn tỷ đồng). GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,57 triệu đồng năm 2005 lên 71,5 triệu đồng năm 2021, tăng gấp 12,8 lần so với năm 2005.

Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp và dịch vụ, cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường. Bên cạnh đó, cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực; trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được chuyển đổi theo hướng từ đất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao; xây dựng, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá nông sản; đồng thời, trong sản xuất có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Trong công nghiệp, công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất toàn ngành (khoảng gần 50%), từng bước khẳng định được vị thế và thay thế vai trò của các sản phẩm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gắn với khai thác tài nguyên thiên nhiên; công nghiệp phụ trợ được chú trọng đầu tư; các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống (thép, phân lân, đạm, xi măng,..) cơ bản được duy trì.

Các ngành dịch vụ như thương mại, vận tải, tài chính, tín dụng ngân hàng… tiếp tục có bước phát triển nhanh; du lịch có sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ tạo nền tảng định hướng dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và được xác định là hướng đi, hướng phát triển bền vững của tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Bình đã có sự phát triển mạnh, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, yêu cầu kết nối vùng, liên vùng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết kết quả 17 năm thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh.

Văn hóa - xã hội được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực; Hoạt động văn học nghệ thuật được coi trọng; Giáo dục và Đào tạo không ngừng phát triển và đạt được những kết quả toàn diện; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Công tác chính trị tư tưởng được tăng cường, đổi mới đã tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân…

Khơi thông các nguồn lực để Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững

Tham dự và phát biểu đóng góp ý về Báo cáo tổng kết của Ninh Bình, nhất là phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cũng như kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bình, các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương đã tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW của tỉnh Ninh Bình; Những định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong thời gian tới. Các ý kiến cũng cho rằng, cần khơi thông nguồn lực phát triển du lịch của Ninh Bình, phát triển từ nâu sang xanh; công tác quy hoạch cần đi trước một bước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương bày tỏ vui mừng vì Ninh Bình là một trong hai tỉnh, thành đầu tiên tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW và kết luận 13-KL/TW. Hội nghị tổng kết và Báo cáo tổng kết của địa phương là một trong những cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới phù hợp với các chủ trương, định hướng mới của Đảng và bối cảnh, tình hình mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết, đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá cao trách nhiệm của Tỉnh ủy Ninh Bình trong triển khai nhiệm vụ tổng kết và ghi nhận sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và các đại biểu của Tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị

Đồng chí cũng cho rằng, về cơ bản, Dự thảo Báo cáo tổng kết của Ninh Bình đã bám sát các nội dung Nghị quyết 54-NQ/TW và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của Ban Chỉ đạo, đánh giá được việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai Nghị quyết của các cấp ủy đảng; làm rõ kết quả đạt được sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết; chỉ ra 03 nhóm tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân; rút ra 03 bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh trong nước, quốc tế; những khó khăn, thách thức đối với địa phương, vùng; đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 03 nhóm kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Những thành tựu, kết quả đạt được cho thấy Nghị quyết 54-NQ/TW đã đi vào cuộc sống và sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đã thay đổi rõ nét, nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội gấp hàng chục lần so với 2005. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất mà tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW được Ban Chỉ đạo đặt ra là đề xuất được với Bộ Chính trị ban hành 01 Nghị quyết nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, nhất là thực tiễn phát triển của vùng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình thực hiện đẩy mạnh liên kết phát triển vùng; phát huy vị trí địa lý, tiềm năng, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế để tăng cường liên kết vùng nhất là với các địa phương tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Liên kết với các địa phương để phát triển hành lang kinh tế ven biển Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình nối tiếp với vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ là Hải Phòng Quảng Ninh để phát triển vùng kinh tế ven biển Kim Sơn theo hướng khu kinh tế tổng hợp ven biển và trở thành động lực, không gian và là một cực tăng trưởng mới của Tỉnh. Tăng cường liên kết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng để khai thác hiệu quả hơn các hành lang, vành đai kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, các thắng cảnh du lịch tầm quốc gia, quốc tế,các trục đường giao thông liên vùng kết nối với thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Đồng chí cũng yêu cầu, tỉnh cần khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển; phát triển về đô thị và đô thị hóa của Ninh Bình. Chú trọng khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tích hợp lại thành “dư địa” để khai thác phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, tinh giản các thủ tục hành chính ở tất cả các cấp; xử lý tháo gỡ các vướng mắc các dự án chậm tiến độ, khơi thông nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để huy động tổng hợp các nguồn lực, thu hút được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia; quan tâm thu hút các nguồn lực trong và ngoài ngân sách phục vụ phát triển địa phương thời gian tới. Kiểm soát chặt chẽ môi trường đặc biệt là quản lý và khai thác tài nguyên du lịch, tài nguyên khoáng sản. Nâng cao chất lượng nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, nhất là nhân lực ngành du lịch. Tập trung đẩy mạnh cơ sở hạ tầng số, công nghệ số; Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…

Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu tỉnh Ninh Bình sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.  Tập trung thực hiện các Nghị quyết để phát huy hơn nữa tiềm năng để phát triển Ninh Bình trở thành tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm, du lịch là mũi nhọn; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch, tài nguyên khoáng sản; khai thác cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đầu tư chuyển đổi số để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của của cả nước và khu vực, trên cơ sở khai thác hiệu quả các danh lam thắng cảnh đẹp, các giá trị truyền thống lịch sử văn hóa và các giá trị phi vật thể  đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An...

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh toàn diện. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ kết hợp quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí cũng yêu cầu tỉnh cần bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực