Phát triển đảng trong học sinh, sinh viên tại An Giang: Cần tháo gỡ nhiều vướng mắc

Thứ hai, 31/07/2023 16:31
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Việc phát triển đảng trong học sinh THPT và sinh viên các trường đại học, cao đẳng rất quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài, nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên và bổ sung lực lượng đảng viên trẻ cho các Đảng bộ.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Kế hoạch số 85-KH/TU, ngày 18/11/2022 và Kế hoạch số 101-KH/TU, ngày 27/3/2022 về phát triển đảng viên giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có nội dung phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên.

Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhìn chung, công tác tạo nguồn và xem xét kết nạp đảng viên đối với học sinh, sinh viên được cấp ủy, tổ chức đảng ở An Giang thực hiện nghiêm túc, thận trọng, đảm bảo về nhận thức chính trị; lựa chọn hầu hết là đoàn viên thực sự ưu tú, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, có thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học và tích cực rèn luyện thông qua các hoạt động, phong trào Đoàn - Hội; chú trọng phát triển về chất lượng, không chạy theo số lượng.

Đại diện Chi bộ 21, Đảng bộ Trường Đại học An Giang, trao Quyết định kết nạp đảng viên mới cho sinh viên.

Tính trong các năm 2020 - 2022, toàn tỉnh đã kết nạp được 145 đảng viên là học sinh, sinh viên (95 học sinh, 50 sinh viên) trên tổng số 3.311 đảng viên. Đây là thành phần quan trọng để bổ sung lực lượng đảng viên trẻ cho Đảng bộ tỉnh An Giang.

Kinh nghiệm ở An Giang cho thấy, nơi nào cấp ủy đảng, người đứng đầu thực sự quan tâm sâu sát, đề ra chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể thì nơi đó vẫn phát triển được nhiều đảng viên từ đoàn viên ưu tú. Và để thành công, nhà trường nhất định phải giữ mối liên hệ chặt chẽ và tạo sự thống nhất cao với phụ huynh ngay từ khi xác định rõ nguồn phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, kết quả công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên ở An Giang đang còn khá thấp, do gặp phải một số vướng mắc.

Trước hết, hiện nay, chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn kết nạp đảng cho khối trường học nói chung và học sinh THPT nói riêng.

Mặt khác, theo quy định, tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi trở lên (tính theo tháng). Do đó, chi bộ nhà trường chỉ xét kết nạp vào Đảng đối với học sinh sinh từ tháng 01 đến tháng 5. Như vậy, các em sinh từ tháng 6 đến tháng 12 không thể xem xét kết nạp, nên nguồn phát triển đảng đối với học sinh bị giới hạn và bản thân các em cũng thiệt thòi.  

Một vướng mắc nữa đó là về thời điểm làm hồ sơ kết nạp. Theo quy trình, chậm nhất trong tháng 6 hoặc tháng 7, chi bộ nhà trường phải hoàn tất hồ sơ phát triển đảng viên gửi về Ban Thường vụ cấp huyện xem xét, quyết định và hoàn chỉnh hồ sơ gửi đến đảng bộ các trường đại học tiếp tục phân công người giúp đỡ, trong khi tháng 5 là thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học nên các trường học và học sinh đều ưu tiên tập trung cao độ cho nhiệm vụ này hơn.

Bên cạnh đó, những cá nhân được chọn kết nạp Đảng phải có thành tích toàn diện trong học tập, rèn luyện, tích cực tham gia hoạt động Đoàn tại trường, địa phương. Thực tế, số lượng học sinh đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên chưa nhiều, nên số lượng kết nạp còn ít.

Nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ kết nạp đảng viên trong học sinh THPT còn thấp bắt nguồn từ tâm lý của học sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con tập trung vào học tập để đạt kết quả tốt trong các kỳ thi mà không muốn tốn thêm thời gian cho việc khác.

Ngoài ra, công tác giáo dục, rèn luyện nhằm tạo nguồn đảng viên ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những vướng mắc này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới tình trạng lãng phí một nguồn nhân lực dồi dào để bổ sung vào đội ngũ đảng viên.

Để thực hiện tốt công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên phù hợp với tình hình địa phương và phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển đảng đề ra, thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng địa phương và các cơ sở giáo dục, các tổ chức Đoàn - Hội ở An Giang cần thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển đảng trong học sinh THPT và sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Đây là công việc quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, vừa cấp bách trước mắt, vừa chiến lược lâu dài, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành Giáo dục, đó là giáo dục toàn diện về ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục về chính trị cho học sinh, sinh viên.

Để triển khai nhiệm vụ này, không chỉ ngành Giáo dục mà cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc. Trong đó, cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của các đồng chí bí thư cấp ủy và hiệu trưởng các nhà trường.

Các cấp ủy đảng, đoàn thể nên xây dựng chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên ưu tú để tạo nguồn kết nạp Đảng trong suốt nhiệm kỳ, đề ra phương hướng kết nạp Đảng theo từng năm, tránh gò ép hoặc chạy theo thành tích.

Hàng năm, cần tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên. Quá trình phát triển đảng viên mới trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, một mặt phải bảo đảm các quy trình, quy định, không hạ thấp tiêu chuẩn, song cần linh hoạt, tạo cơ hội cho các học sinh có điều kiện và mong muốn được vào Đảng. Trên cơ sở đó, lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp những học sinh xứng đáng, có sức hút, có sự lan tỏa.

Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cần nghiên cứu cấu trúc lại để phù hợp với các em và linh động trong cách tổ chức nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia học tập. Thông qua công tác phát triển đảng trong học sinh, sinh viên nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, cần có sự cộng đồng trách nhiệm, chủ động phối hợp trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng giữa nhà trường, địa phương và tổ chức Đoàn Thanh niên. Tổ chức Đoàn cần đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động bề nổi, tạo sân chơi lành mạnh nhằm thu hút, tập hợp đoàn viên, phát hiện những nhân tố tích cực trong học tập và lao động, có tinh thần trách nhiệm, có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng để bồi dưỡng và giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp.

Thiết nghĩ, vướng mắc lớn nhất là quy định về độ tuổi kết nạp. Ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan sớm tham mưu cấp có thầm quyền ban hành văn bản chuyên đề về phát triển đảng viên trong các trường học để xem xét linh hoạt về thời gian kết nạp Đảng đối với những học sinh ưu tú, xuất sắc trong các trường THPT theo hướng chỉ cần đến năm đó đủ 18 tuổi (không tính tháng). Bởi trên thực tế, có những học sinh rất xuất sắc nhưng vì sinh vào tháng 6 đến tháng 12 nên nhà trường không thể xét kết nạp Đảng, làm ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của học sinh đó./.

Phương Liên - Trường Giang (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực