Phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Trà My

Thứ tư, 06/03/2024 16:53
(ĐCSVN) - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) luôn quan tâm, có nhiều chính sách, cách làm thiết thực để lãnh đạo, chỉ đạo tâp trung xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh.
Sau Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Trà My lần thứ XIX, Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo về cả chất lượng và số lượng.  

Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My có 12 xã và 01 thị trấn, trong đó có 7 xã vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã có nhiều giải pháp để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, Huyện uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tiến hành chỉ đạo, thực hiện công tác quy hoạch cán bộ người DTTS gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho huyện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các quy định về tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS; thực hiện chính sách đối với cán bộ người DTTS đảm bảo đúng quy định.

Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ công tác cán bộ, Huyện uỷ Bắc Trà My cũng dành nhiều quan tâm để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy cấp dưới trong việc giáo dục, quản lý cán bộ và thực hiện công tác cán bộ. Nhờ những nỗ lực đó, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và huyện đã tăng cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Theo Ban Thường vụ Huyện uỷ Bắc Trà My, toàn huyện hiện có 80 cán bộ cấp xã là người DTTS, chiếm tỷ lệ 60,7% (tăng 2,6% so với đầu nhiệm kỳ). Các chức danh cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn là người DTTS có: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND...

Đối với cấp huyện, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phó phòng trở lên có 51 đồng chí, trong đó có 17 cán bộ người DTTS, chiếm 33,3% (tăng 1,5% so với đầu nhiệm kỳ).

Phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Trà My là nhiệm vụ quan trọng được cấp uỷ cơ sở địa phương hết sức quan tâm. 

Nói về nguyên nhân dẫn đến những thành công kể trên, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Bí thư Huyện uỷ Bắc Trà My cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là có sự tập trung và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Nhờ đó đến nay, đối với cấp xã, thị trấn, tổng số công chức, người hoạt động không chuyên trách xã, thị trấn được tuyển dụng là 176 đồng chí, trong đó cán bộ người DTTS là 101 đồng chí, chiếm tỷ lệ 57,4%. Trong khi đó, ở cấp huyện, số lượng cán bộ, công chức, viên chức tuyển dụng là 254 đồng chí, trong đó cán bộ người DTTS có 85 đồng chí, chiếm 33,4%.

Cùng với tuyển dụng, công tác quy hoạch cũng được Huyện uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến tận cơ sở. Nhờ đó, chất lượng cán bộ người DTTS của huyện có trình độ chuyên môn, chính trị ngày càng cao. Cụ thể, đối với cấp xã, tổng số cán bộ, công chức người DTTS được quy hoạch vào ban thường vụ, các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025 là 137/283 đồng chí, chiếm 48,4%.

Đối với cấp huyện, theo kế hoạch quy hoạch chung vào cấp uỷ và Ban Thường vụ Huyện uỷ, tổng số cán bộ được quy hoạch là 67 đồng chí, trong đó người DTTS là 29 đồng chí, tỷ lệ 43,2%. Các chức danh chủ chốt có 26 đồng chí được quy hoạch; riêng cán bộ là người DTTS có 13 đồng chí, chiếm 50%.

Đối với cấp trưởng phó ngành, đoàn thể, tổng số được quy hoạch là 149 đồng chí, trong đó cán bộ người DTTS là 39 đồng chí, chiếm 26,2%.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho hay, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện luôn thực hiện tốt việc tuyển dụng, bố trí con em là người địa phương có trình độ chuyên môn vào công tác tại các xã, thị trấn. Để công tác này được đảm bảo, đạt yêu cầu đề ra, Huyện uỷ đã chỉ đạo để các ngành, địa phương, đơn vị lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đưa vào quy hoạch dự nguồn nhằm tạo nguồn cán bộ có triển vọng cho những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có năng lực, trình độ. Đến nay, nhiều cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại các xã, thị trấn và các phòng, ban của huyện đã được đề bạt, bổ nhiệm và phát huy tốt năng lực, vai trò của mình. Mặt khác, Huyện cũng thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ xã, thị trấn để động viên những cán bộ lớn tuổi, không đạt chuẩn về trình độ, yếu về năng lực tự nguyện nghỉ việc để bố trí cán bộ trẻ có trình độ vào công tác tại các xã, thị trấn.

Nói thêm về công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cán bộ người DTTS tại huyện Bắc Trà My, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ở cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyệm đã có 50 lượt cán bộ được giới thiệu để bầu cử, trong đó cán bộ người DTTS có 29 đồng chí (Bí thư 04 đồng chí; Phó Bí thư 02 đồng chí; Chủ tịch HĐND 06 đồng chí; Phó Chủ tịch HĐND 06 đồng chí; Chủ tịch UBND 05 đồng chí; Phó Chủ tịch UBND 06 đồng chí).

Đối với cấp huyện, huyện đã chỉ định, giới thiệu ứng cử 33/85 cán bộ người DTTS (tỷ lệ 38,8%); bổ nhiệm mới 7/23 đồng chí (tỷ lệ 30%); bổ nhiệm lại 4/15 đồng chí (tỷ lệ 26,6%); điều động ngang 8/19 đồng chí (tỷ lệ 42%); tuyển dụng khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể 5/6 đồng chí (tỷ lệ 83%); tuyển dụng khối Nhà nước 80/248 đồng chí (tỷ lệ 32,2%).

Đội ngũ cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Trà My luôn phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 

Một công tác quan trọng khác mà Huyện uỷ Bắc Trà My hết sức quan tâm chú trọng thực hiện, đó là công tác luân chuyển cán bộ DTTS. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã điều động, luân chuyển 08 cán bộ từ huyện về xã, trong đó có 04 cán bộ người DTTS (01 Bí thư Đảng uỷ thị trấn; 01 Phó Bí thư Đảng uỷ xã; 01 Chủ tịch xã, 01 Phó Chủ tịch xã). Điều động, luân chuyển ngang 14 cán bộ giữa các khối, ngành huyện; trong đó có 04 cán bộ người DTTS; bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng đối với 01 cán bộ người DTTS. “Hầu hết cán bộ được điều động, luân chuyển đảm bảo đúng theo quy hoạch, phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn, sở trường công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- Bí thư Huyện uỷ Bắc Trà My Nguyễn Thị Tuyết Thanh cho biết thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn huyện Bắc Trà My thời gian qua cũng còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, số lượng cán bộ người DTTS tham gia vào cấp uỷ huyện và làm việc tại các cơ quan, ban, ngành huyện chưa nhiều như mong muốn. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn một số cán bộ chuyên trách cấp xã, huyện là người DTTS chưa đạt chuẩn về một số chứng chỉ bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định nên gặp khó khăn trong công tác cán bộ hiện nay. Số lượng cán bộ người DTTS tại các xã, thị trấn, các cơ quan, ban, ngành huyện còn ít; vẫn còn một số cơ quan, phòng, ban của huyện chưa có cán bộ người DTTS. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS chưa đồng đều giữa các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, các ngành. Năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thực tế của một bộ phận cán bộ người DTTS tại các xã còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay nhưng chưa có giải pháp để bố trí công tác khác cho phù hợp.

Trước những hạn chế, khó khăn trên, Ban Thường vụ Huyện uỷ Bắc Trà My cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 10/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó huyện sẽ chú trọng làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số; tập trung làm tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, nhất là trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ cũng như điều động, luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số gắn với thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số từ huyện đến cơ sở./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực