Quảng Nam: 14/17 chỉ tiêu ước đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh

Thứ tư, 04/12/2024 17:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tính đến ngày 3/12, Quảng Nam có 14/17 chỉ tiêu ước đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh. Kinh tế phục hồi tích cực so với năm 2023; quy mô nền kinh tế ước đạt 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023.

Ngày 4/12, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành kỳ họp thứ XXVIII. Tham dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lương Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam.

 Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Kỳ họp.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng cho biết, 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026, trong bối cảnh cả nước và tỉnh Quảng Ngãi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự tập trung, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Theo đó, tính đến ngày 3/12 Quảng Nam có 14/17 chỉ tiêu ước đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh. Kinh tế phục hồi tích cực so với năm 2023; quy mô nền kinh tế ước đạt 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023.

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng lấy lại đà tăng trưởng, tăng 14% so với năm 2023. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 5,8%; hoạt động du lịch diễn ra sôi động, khởi sắc, thu hút nhiều lượt khách quốc tế. Ước thu ngân sách Nhà nước là 26 nghìn tỷ đồng, đạt 110,2% dự toán; cơ cấu nguồn thu có sự chuyển biến. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư; tỉnh đã có nhiều sự quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, bên cạnh các kết quả đạt được, Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) chưa đạt kế hoạch đề ra; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư còn chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; phát triển sản xuất gắn với liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị còn hạn chế, giảm nghèo chưa thực sự bền vững; công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết ở địa phương còn chậm trễ, chất lượng quy hoạch chưa cao; công tác quản lý, bảo vệ rừng, môi trường, khai thác khoáng sản còn nhiều tồn tại, diễn biến phức tạp ở một số địa bàn; đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Theo chương trình của kỳ họp, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, bám sát vào các nội dung lớn, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế; việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" và các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Tại kỳ họp này, các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến về báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; tình hình thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2025 - 2027; báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2025; kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025…

Quang cảnh tại Kỳ họp thứ XXVIII HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa mới kết thúc. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay, thời gian kéo dài hơn, bàn nhiều nội dung quan trọng về: Công tác nhân sự, xây dựng pháp luật, đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024 và dự kiến cho 2025. Với tinh thần nỗ lực, khẩn trương, trách nhiệm, đổi mới không ngừng, thích nghi với sự thay đổi trong hoàn cảnh, điều kiện mới, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao, trong đó có các Luật, Nghị quyết liên quan đến hoạt động của HĐND, UBND, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng quyền chủ động cho địa phương như Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Luật sửa 4 Luật trong lĩnh vực đầu tư, đấu thầu; sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Điện lực; sửa đổi Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến quản lý vật liệu xây dựng của các địa phương...

Đồng chí Nguyễn Đức Hải cũng nêu một số nhiệm vụ mà Quốc hội và Trung ương quan tâm quyết tâm thực hiện trong thời gian như: Tập trung thực hiện Nghị quyết 18 về công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp lại đơn vị hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; quyết liệt triển khai kịp thời, đầy đủ, hiệu quả chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; tháo gỡ tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng; ưu tiên bố trí nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…/.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực