Quảng Nam: Tập trung xây dựng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số

Thứ ba, 19/12/2023 09:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, bài toán xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển vùng miền núi tỉnh Quảng Nam đã từng bước được giải quyết hiệu quả.

Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới yêu cầu: “Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số”…; “Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số”...

Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, thời gian qua, công tác phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Tỉnh uỷ Quảng Nam quan tâm. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 10/02/2022 về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án số 10-ĐA/TU ngày 30/3/2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030…

Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ từ khâu quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, tuyển dụng, bố trí việc làm đối với đội ngũ cán bộ người DTTS.

Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Trà My kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 (Ảnh: Tú Vân) 

Nhờ đó, tỷ lệ người DTTS tham gia hệ thống chính trị ngày càng cao. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh là 614/5.169 người, tỷ lệ 11,9%. Tổng số cán bộ, công chức người DTTS ở cấp huyện là 347/962 người, chiếm tỷ lệ 36,1%.

Nhiều cán bộ người DTTS được giao những trọng trách lãnh đạo cao trong các cơ quan, tổ chức, địa phương. Cán bộ người DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 05/53 người, tỷ lệ 9,4%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020; tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 02/15 người, tỷ lệ 13,3%; tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 09/57 người, đạt tỷ lệ 15,8%, tăng 7,5% so với nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cán bộ người DTTS giữ chức vụ giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành và tương đương có 05/169 đồng chí, tỷ lệ 3%; trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành của tỉnh có 08/576 đồng chí, tỷ lệ 1,4%.

Cán bộ người DTTS giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại 06 huyện miền núi nhiệm kỳ 2020 - 2025 là 10/18 người, đạt tỷ lệ 55,6%.

Tỉnh cũng đã thực hiện tốt chính sách tạo nguồn cán bộ nữ DTTS để tham gia vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Cán bộ người DTTS đưa vào quy hoạch các cấp, các ngành tăng về cả số lượng và chất lượng; công tác tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ DTTS ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý dồi dào và chất lượng.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam rất chú trọng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn là người DTTS; đảm bảo có trình độ đại học chuyên môn đạt từ 40% - 50% và trung cấp chính trị trở lên đạt 100% đối với cán bộ và 75% đối với công chức; cán bộ giữ chức vụ trưởng, phó phòng và tương đương, tham gia cấp ủy huyện trở lên có đại học chuyên môn và cao cấp lý luận chính trị trở lên đạt 100%. Hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp xã là người DTTS có trình độ đại học chuyên môn đạt tỷ lệ 87,3%, vượt 37,3% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, do thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ người DTTS nên đã tạo được niềm tin, sự phấn khởi để cán bộ yên tâm và nhiệt tình công tác. Tỷ lệ cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo về chất lượng và cơ cấu ở các cấp. Đội ngũ cán bộ người DTTS có sự trưởng thành về mọi mặt; tinh thần, trách nhiệm, phong cách, lề lối làm việc, kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống được nâng lên rõ rệt; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, giản dị… Quan trọng nữa đối với Quảng Nam sau 3 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, đó là bài toán xây dựng nguồn nhân lực phục vụ phát triển vùng miền núi của tỉnh từng bước được giải quyết hiệu quả./.

Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực