Quy định 205-QĐ/TW đã được nhiều cấp, nhiều ngành thảo luận và góp ý. (Ảnh: HH)
Cơ sở để xử lý cán bộ vi phạm
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được đề cập trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng do Bộ Chính trị ban hành. Đây cũng là lần đầu tiên một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Quy định về Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền bao gồm 15 điều, lần đầu tiên được quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ nhằm xây dựng các căn cứ để bịt các lỗ hổng trong công tác cán bộ. Một trong những điểm nhấn nổi bật của Quy định này là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét, thực hiện các quy trình trong công tác cán bộ cũng như đề cao trách nhiệm của những cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được cho là vấn đề then chốt để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Tuy nhiên, để kiểm soát được việc "chạy ai, ai chạy" và kiểm soát quyền lực, cần công khai cho nhân dân biết các nhân sự trước khi bầu để nhân dân thực hiện quyền giám sát. Đồng thời với việc phát huy dân chủ trong Đảng, dân chủ đại diện trong bầu cử thì cần chú trọng đến dân chủ trực tiếp của đảng viên và nhân dân. Theo PGS.TS Lê Minh Thông, sắp tới, chúng ta tiến hành bầu chức danh bí thư kiêm chủ tịch ở những nơi có đủ điều kiện thì vấn đề dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện càng phải cần được chú ý hơn.
Kịp thời và cấp bách
Dư luận chung của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong những ngày qua đánh giá việc ban hành chủ trương này là cần thiết và vào đúng thời điểm thích hợp, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần chỉnh đốn công tác tổ chức cán bộ của Đảng.
Là một đảng viên, cựu quân nhân về hưu, ông Nguyễn Ngọc Quyến, khu 8, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ thường xuyên có những ý kiến tham gia góp ý tại các kỳ sinh hoạt Đảng. Bức xúc với những hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, ông thấy vui mừng và phấn khởi khi đọc được thông tin Quy định của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Ông cho rằng, đây chính là chiếc “gậy”, là cơ sở, là “chiếc lồng cơ chế” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhắc tới để kiểm soát quyền lực. “Quy định này sẽ giúp nhân dân dễ dàng nhận biết hơn, quan sát tốt hơn những biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Đây cũng là cơ sở để có thể xử lý cán bộ vi phạm. Qua đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần chỉnh đốn công tác tổ chức cán bộ, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn” - ông Nguyễn Ngọc Quyến bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quyến cũng cho rằng, Quy định cũng cần có cơ chế để nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ, bởi đây cũng chính là quyền dân chủ trực tiếp, quyền làm chủ của nhân dân.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, công tác cán bộ là của tập thể, nhưng cuối cùng người thực hiện và mang tính quyết định trong cấp ủy là bí thư, phó bí thư, thủ trưởng đơn vị. Quy định lần này đã nêu rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền, phản ánh quyết tâm chính trị rất cao của Đảng. Quy định thì đã rõ, nhưng việc thực hiện Quy định như thế nào rất cần được các cấp, các ngành chức năng làm tốt hơn nữa để tạo niềm tin trong nhân dân.
Nhà báo Nhị Lê trao đổi các vấn đề về công tác cán bộ. (Ảnh: HH)
Theo nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Quy định nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, của cá nhân trong công tác cán bộ. Trách nhiệm là vấn đề then chốt nhất. “Vấn nạn chạy chức, chạy quyền ở xã hội nào cũng có, thời nào cũng có. Vì thế, qua bài học rút ra sau những sự việc “để mất” cán bộ vừa rồi làm ảnh hưởng tới sự ổn định của bộ máy Nhà nước, khiến dư luận bức xúc. Tôi đã nhiều lần đề cập tới việc là trách nhiệm của người tiến cử cán bộ, không phải giới thiệu xong rồi, bầu trúng rồi thì đã là xong việc. Bố trí cán bộ sai vị trí cũng là một nguy cơ lớn cho Đảng, việc “mất” một số cán bộ vừa qua cho ta thấy rõ bài học này".
Đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng Đảng đã nhiều lần cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Trong Nghị quyết Trung ương VI (lần 2), khóa VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 loại “chạy”: chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử.
Quy định lần này nêu chi tiết về “chạy ai, ai chạy” và các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, để Quy định thật sự được thực hiện nghiêm túc, đồng thời không làm ảnh hưởng đến công tác bổ nhiệm cán bộ thì cần có sự công khai, minh bạch, đánh giá khách quan, công tâm, cả trình độ, năng lực, thực tiễn công tác của người cán bộ. Nếu áp dụng quyết định một cách quá cứng nhắc, máy móc sẽ tạo ra mặt trái là tâm lý e dè, sợ hãi, không đề bạt, bổ nhiệm vào bộ máy những người hiền tài và đó là nguy cơ dẫn đến “cháy máu chất xám”.
Thực tế trong thời gian qua, biểu hiện và thực trạng chạy chức, chạy quyền có nhiều vấn đề đáng lo ngại gây bức xúc dư luận. Dễ dàng nhận thấy “cả họ làm quan”, dễ dàng nhận thấy, đó là người thân của ai được bổ nhiệm đều “đúng quy trình”. Quy định lần này có ý nghĩa rất lớn, là cách “hâm nóng” các quy định đã có trước đây để mạnh tay xử lý nạn chạy chức, chạy quyền.
Nhiều điểm mới trong Quy định
Theo đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ. Bộ Chính trị chỉ rõ, cơ quan được giao thực hiện công tác cán bộ bao gồm: Cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định về công tác cán bộ, nhân sự theo thẩm quyền là cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban tổ chức của cấp uỷ, cơ quan tổ chức - cán bộ, cơ quan nội vụ, các cơ quan được giao phối hợp trong công tác đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định cán bộ. Nhân sự là người đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.
Quy định ban hành 15 điều, giải thích rõ các thuật ngữ, khái niệm và nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay. Đây là cơ sở cho các cấp có thẩm quyền xử lý những vi phạm trong công tác cán bộ.
Quy định cũng ban hành một số hình thức bổ sung mang tính chất răn đe như: Đưa ra khỏi quy hoạch, buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Một trong những điểm nổi bật của Quy định là đề cao trách nhiệm của người đang được xem xét quy hoạch cũng như đề cao trách nhiệm của cá nhân có thẩm quyền quyết định nhân sự. Đây được coi là những vấn đề then chốt để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền khẳng định quyết tâm cao của Đảng trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những hạn chế trong công việc "gốc" của Đảng, những nhức nhối tồn tại suốt nhiều năm trong công tác cán bộ. Dù rằng đó là công việc hết sức khó khăn và nhiều gian truân, nhưng trước mắt, việc ban hành Quy định này sẽ làm cho những người có ý định "chạy" và "được chạy" cũng sẽ phải chùn bước.
Những quy định của Bộ Chính trị đang được kỳ vọng sẽ góp phần đầy lùi được sự thao túng, lạm quyền trong công tác cán bộ, chống được chạy chức, chạy quyền./.