Sóc Trăng: Phát hiện, chuyển giao 210 nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực

Thứ tư, 06/07/2022 15:28
(ĐCSVN) – Trong 10 năm, các cơ quan chức năng của tỉnh qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra nội bộ, qua hoạt động nghiệp vụ đã phát hiện, chuyển giao 210 nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Tất cả các nguồn tin, vụ việc do các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân chuyển đến đều được tiếp nhận, phân loại và xử lý.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại Hội nghị. 

Ngày 6/7, Đoàn Kiểm tra số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC), do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng để thông báo kết quả kiểm tra công tác phát hiện, tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại tỉnh Sóc Trăng.

Từ Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng, qua kết quả kiểm tra của Đoàn, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của tỉnh Sóc Trăng. Cùng với việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế; chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Công tác phát hiện, chuyển giao các nguồn tin về tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nhìn chung đạt kết quả tích cực. Trong 10 năm, các cơ quan chức năng của tỉnh qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra nội bộ, qua hoạt động nghiệp vụ đã phát hiện, chuyển giao 210 nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Tất cả các nguồn tin, vụ việc do các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân chuyển đến đều được tiếp nhận, phân loại và xử lý; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đã được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm (Cơ quan điều tra đã khởi tố đối với 111 nguồn tin/179 bị can). Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm có chuyển biến tốt hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại tỉnh Sóc Trăng còn có những tồn tại, hạn chế: Trong một số trường hợp, việc chuyển giao nguồn tin tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý còn chậm; số nguồn tin được phát hiện qua hoạt động nghiệp vụ của một số cơ quan, đơn vị chức năng còn ít; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm trong một số trường hợp chưa chặt chẽ. Việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong một số vụ việc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

 Hình ảnh tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, lãnh đạo các cấp đối với công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Tiến hành rà soát toàn bộ công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; qua đó vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng, vừa khắc phục những tồn tại, hạn chế, sai sót trong công tác này.

Đồng chí yêu cầu tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và quần chúng nhân dân đối với công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý và cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

«Cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phải trong sạch, liêm khiết, trọng danh dự, nhân phẩm, bởi có liêm, có sạch mới có thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây» - đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Trưởng đoàn Công tác cũng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng cần triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn, đáp ứng được đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo rà soát, xử lý một số vụ việc, vụ án cụ thể, nhất là các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng./.

Nguyễn Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực