Sau năm tháng có ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, UBND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định thu hồi gần 5.000 m2 số 8-12 Lê Duẩn để đấu giá lại. Việc làm đó thể hiện quyết tâm chính trị và hành động ngay “lập tức” của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh sửa sai, khắc phục hậu quả giao đất trái phép, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Khu "đất vàng" diện tích hơn 4.896 m2 số 8-12 Lê Duẩn đã bị thu hồi để đấu giá. (ảnh: Quỳnh Trần)
Theo Quyết định số 5671, ngày 11/12, của UBND TP Hồ Chí Minh khu đất hơn 4.896 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé (quận 1) bị thu hồi, bao gồm mặt bằng địa chỉ số 8 rộng hơn 3.456 m2 và số 12 hơn 1.431 m2 do Công ty cổ phần đầu tư Lavenue được giao ngày 5/5/2016.
Quyết định nêu rõ: Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai là đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo kết luận thanh tra số 645 ngày 4/5/2018 của Thanh tra Chính phủ, được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại Thông báo số 249 ngày 18/7/2018 của Văn phòng Chính phủ.
UBND TP. Hồ Chí Minh giao Chủ tịch phường Bến Nghé trao quyết định thu hồi đất cho Công ty cổ phần đầu tư Lavenue. Nếu đơn vị này không nhận hoặc vắng mặt phải lập biên bản, niêm yết quyết định tại trụ sở UBND phường, hoặc tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư. Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Hồ Chí Minh được giao tiếp nhận, quản lý chặt chẽ khu đất, chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Chính quyền Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài chính, UBND quận 1 và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu, trình UBND TP Hồ Chí Minh phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Có thể nói khu đất số 8-12 Lê Duẩn phường Bến Nghé (quận 1) ở vị trí đắc địa bậc nhất TP Hồ Chí Minh có lợi thế đặc biệt về thương mại. Theo Thanh tra Chính phủ, hiện giá đất tại khu vực đường Lê Duẩn khu trung tâm là hơn 400 triệu đồng/m2. Nếu đấu giá khu đất này có thể thu về trên 2.000 tỷ đồng. Nêu như vậy để thấy được rằng, người dân và dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến vụ việc này, và câu hỏi được đặt ra là có “lợi ích nhóm”, “sân trước, sân sau” không?.
Vừa qua cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ lãnh đạo gồm nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài; Bí thư Quận ủy Quận.2 Nguyễn Hoài Nam. Ông Nam được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú (liên đới trách nhiệm trong giai đoạn làm Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Hồ Chí Minh); nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP. Hồ Chí Minh Đào Anh Kiệt; Phó trưởng phòng Quản lý đất Sở Tài nguyên – Môi trường TP.Hồ Chí Minh Trương Văn Út cùng về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, mức độ sai phạm như thế nào sẽ được làm rõ.
Có thể thấy, Quyết định sửa sai giao đất trái phép của UBND TP Hồ Chí Minh được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Thành phố là sai thì phải sửa, sửa ngay và hành động trên tinh thần khẩn trương nghiêm túc, lắng nghe cầu thị để lấy lại công bằng.
Một quyết định sửa sai có thể nói là dũng cảm, đầy khó khăn bởi sau Quyết định này tiếp theo còn nhiều vấn đề liên quan đến việc giải quyết hậu quả về xã hội, kinh tế và pháp lý.
Với Quyết định này là hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu Thành phố về tự soi, tự sửa nhận khuyết điểm, sửa sai, vì dân phục vụ, chụi trách nhiệm trước dân; đồng thời là động lực to lớn để lấy lại “nhuệ khí”, tiếp thêm sức mạnh và tự tin trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của Thành phố, mà tiếp theo là sửa chữa những sai lầm ở khu đô thị Thủ Thiêm.
Vụ việc này là bài học quan trọng cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu về tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, dám nhận khuyết điểm trước dân và lắng nghe cầu thị, không đùn đẩy trách nhiệm, phê bình và tự phê bình nghiêm khắc và sẵn sàng sửa chữa thiếu sót, sai lầm ngay “lập tức”./.