Thăm hỏi, động viên CNVCLĐ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Thứ hai, 17/05/2021 14:40
(ĐCSVN) - Thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc làm, thu nhập người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cả hệ thống công đoàn cần quyết liệt tham gia phòng, chống dịch, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn.
Quang cảnh Hội nghị ở điểm cầu trụ sở Tổng Liên đoàn.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại Hội nghị trực tuyến Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn với Liên đoàn Lao động các tỉnh có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp diễn ra sáng 17/5.

Theo báo cáo từ các cấp Công đoàn, đến 20h ngày 16/5/2021, đã có 366 ca dương tính là công nhân lao động (CNLĐ) các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội (07 ca), Bắc Giang (310 ca), Bắc Ninh (11 ca), Hưng Yên (01 ca), Phú Thọ (01 ca), Đà Nẵng (36 ca).

Từ ngày 27/4 đến nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đạo các cấp Công đoàn tăng cường, nâng cao mức độ cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục quán triệt chỉ đạo việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới. 

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức thăm hỏi, động viên tặng quà CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 (dự kiến là 1.550 suất quà trị giá 1 triệu đồng/suất); dành kinh phí 01 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa mỗi đơn vị 100 triệu đồng. 

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, TP, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, nhất là tại 6 địa phương đang có CNLĐ dương tính với Sars-CoV-2 cũng tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, nơi cộng cộng và khai báo y tế đầy đủ, thường xuyên. 

Phối hợp cùng người sử dụng lao động rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro lây nhiễm dịch tại doanh nghiệp và xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó khi có ca dương tính; kiến nghị với các doanh nghiệp (các trường hợp F1, F2 phải nghỉ việc) đảm bảo duy trì thu nhập, hỗ trợ các F1 phải cách ly tập trung tiền ăn; trường hợp CNLĐ ngoại tỉnh có con nhỏ phải nghỉ học, doanh nghiệp tạo điều kiện làm việc luân phiên, ca kíp hợp lý hoặc hỗ trợ kinh phí gửi con; điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bố trí làm việc theo ca, kíp, đảm bảo mọi NLĐ đều có việc làm, ổn định thu nhập, duy trì cuộc sống. Tuyệt đối không chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc để đảm bảo ổn định quan hệ lao động trong thời gian xảy ra dịch, nhất là từ nay đến ngày bầu cử.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, COVID-19 đang tấn công vào tầng lớp CNLĐ, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Cán bộ Công đoàn chính là một trong những lực lượng tuyến đầu, đã và đang ngày đêm lăn lộn, triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các cấp Công đoàn cần tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động; bám sát địa bàn, nắm vững tình hình, nhất là những địa bàn chưa có F0. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những đối tượng là F2,F3 để họ  khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chính sách, pháp luật cho người lao động, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu nói. 

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang biểu dương các cấp công đoàn đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, cách làm sáng tạo hướng đến người lao động, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch, nhất là ở những nơi dịch COVID-19 đang bùng phát. 

Xác định dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, việc làm, thu nhập người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu công đoàn các cấp tuyệt đối không được lơ là, thực hiện nghiêm túc những phương án mà cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo; đồng thời phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất lao động nhưng vẫn an toàn, hiệu quả. Cả hệ thống công đoàn cần quyết liệt tham gia phòng, chống dịch, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn. 

"Kể cả những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên cơ sở phải chủ động hỗ trợ, giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống. Tuyên truyền để người lao động không được chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng, thực hiện tốt quy định 5K và những quy định của Bộ Y tế", Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh. 

Cùng với đó, từ nay đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tổ chức Công đoàn các cấp tích cực phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia để mỗi công dân được thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của mình, góp phần để ngày bầu cử toàn quốc diễn ra thành công nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả.../.

Tại Bắc Giang - nơi hiện có 310 ca là CNLĐ dương tính với COVID-19 nằm trong 2 khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh có 4.260 CNLĐ là F1 đang cách ly tập trung và 17.592 CNLĐ là F2 tự cách ly tại nhà.

Đến nay, toàn tỉnh có 299 CNLĐ phải nghỉ việc do 3 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì hết nguyên liệu; gần 45.000 công nhân lao động của 52 doanh nghiệp phải nghỉ việc do phải cách ly và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch.

Hiện, xe đưa đón công nhân ở xa đến các khu công nghiệp chỉ đưa đón được 50% công suất do phải thực hiện giãn cách, số còn lại phải tự đi bằng xe máy tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp là rất khó khăn...

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực