​Tìm giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ tư, 29/11/2023 22:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung làm rõ nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW và tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết này đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung của Nghị quyết trong thời gian tới.
 GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.

Ngày 29/11, tại TP Cần Thơ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức nội dung cơ bản của Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phân tích những thuận lợi và khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như chỉ rõ những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW thời gian qua; đồng thời, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 50 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến từ các tỉnh, thành vùng Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu ở trong và ngoài khu vực.

Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung làm rõ nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW và tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết này đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, đánh giá việc nghiên cứu, phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TW, Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết này gắn liền với vai trò, chức năng của các cơ quan, thiết chế trong hệ thống chính trị và các cơ quan nghiên cứu, thông tấn, báo chí; đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền nội dung của Nghị quyết 31 trong thời gian tới.

Các đại cũng đã nêu tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; đồng thời đề xuất các kiến nghị cụ thể nhằm tăng cường việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

 Hội thảo khoa học “Giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Kết hợp với việc đánh giá thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, Hội thảo đã rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các loại quy hoạch, cũng như giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, nhất là làm thế nào để đẩy nhanh việc xây dựng quy Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đảm bảo đồng bộ, liên thông với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022. Cùng với đó, Hội thảo đã đề xuất các giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy kết nối và liên kết vùng, đặc biệt là kết nối về hạ tầng, kết nối về thể chế, kết nối về thị trường và doanh nghiệp, kết nối về nguồn nhân lực và tri thức; kết nối về thông tin và dữ liệu không chỉ ở nội vùng, mà còn giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam bộ.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, Hội thảo đã đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi để thực hiện tốt các nhiệm vụ, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng, gồm: Giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp và các kiến nghị nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải pháp và kiến nghị cụ thể nhằm phát triển khoa học - công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Giải pháp và các kiến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay...

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Trên cơ sở các bài tham luận, các ý kiến thảo luận, trao đổi tại hội thảo, các đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ chắt lọc để xây dựng báo cáo kiến nghị gửi Đảng, Nhà nước cũng như các địa phương vùng Tây Nam Bộ nhằm góp phần tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị./.

Phú Đức- Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực