TP Hồ Chí Minh: Bám sát và thực hiện hiệu quả chủ đề Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra

Thứ hai, 11/09/2023 23:38
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của người dân, TP Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, bảo đảm bám sát chủ đề Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra và từng bước triển khai thực hiện hiệu quả.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu, năng động, sáng tạo, nghĩa tình. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh đã đi qua nửa chặng đường của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp từ đại dịch COVID-19 đã gây ra hậu quả chưa từng có tiền lệ, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại ở bên trong của Thành phố tạo ra một thử thách quá lớn cũng có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được. Thành phố đã vượt qua đại dịch là nhờ nguồn lực nội sinh, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền thống nhân nghĩa và quan trọng hơn là sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cơ quan Trung ương, sự chi viện của các địa phương, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế…Trong đó, đặc biệt là đã có nhiều quyết định quan trọng từ Trung ương được ưu tiên giải quyết, tạo cơ hội cho Thành phố hồi phục và phát triển mạnh mẽ như: cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức; đến cuối năm 2022 và giữa năm 2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Nhờ những quyết định chỉ đạo kịp thời của Trung ương cũng như Thành phố mà trong nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế Thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tăng trưởng GRDP năm 2021 của Thành phố suy giảm sâu ở mức -5,36% do đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2022 hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi tăng 9,03% trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,55%. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ duy trì tỷ trọng cao trong GRDP; kinh tế số trong GRDP tăng qua các năm (năm 2021 là 15,38%; năm 2022 tăng lên đạt mức hơn 19%16); năng suất lao động chuyển biến tích cực, bình quân giai đoạn 2021 - 2022 tăng khoảng 4%, cao gấp 1,8 lần so với trung bình của cả nước; kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu (qua cửa khẩu cả nước) ước đạt 111,5 tỷ USD, tăng 32,4% so với nửa nhiệm kỳ 2016 - 2020; tổng kim ngạch nhập khẩu (qua cửa khẩu cả nước) ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 42,5% so với nửa nhiệm kỳ giai đoạn 2016 - 2020. Thu hút đầu tư FDI tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; thu ngân sách đạt vượt dự toán.

Hoạt động thương mại và dịch vụ có nhiều chuyển biến đạt mức tăng trưởng khá, tạo diện mạo mới cho ngành bán lẻ với những trải nghiệm mua sắm mới. Doanh thu bán lẻ hàng hóa giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng năm 2023 ước đạt 2.511.444 tỷ đồng, tăng 14,7% so với quy mô nửa nhiệm kỳ trước (đạt 2.188.769 tỷ đồng).

Thời gian cao điểm của dịch bệnh, ngành du lịch là một trong những ngày chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, với quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng, đến nay, ngành du lịch Thành phố vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng khách và chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu, đạt bình quân 27% so với cả nước. Từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 256.218 tỷ đồng, giảm 9% so với giai đoạn trước và đạt 98,6% so với kế hoạch.

Có thể thấy, Thành phố vẫn là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế du lịch của thành phố trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ và vận tải hành khách của thành phố tăng trưởng.

Để nhanh chóng phục hồi và phát triển, thu hút đầu tư ngày càng nhiều, Thành phố đã thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang lại những kết quả tích cực. Từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã thực hiện được số tiền là 1.356.646 tỷ đồng với khoảng 110.284 khách hàng được hỗ trợ, tăng 83,2% về số tiền và tăng 160,8% về số lượng khách hàng được hỗ trợ so với nửa đầu nhiệm kỳ trước.

 Doanh nghiệp FDI TP Hồ Chí Minh từng bước tái sản xuất. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ, từ nay tới năm 2025, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Thành phố xác định sẽ tập trung là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt, Thành phố xác định sẽ phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động gắn với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 – 2025. Bên cạnh đó, là phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ.

Song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, lấy đó làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục là nội dung quan trọng đã, đang và sẽ được Thành phố tập trung triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, Thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận; Bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay, Thành phố xác định, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế trở thành một nhiệm vụ trọng tâm. TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Về hợp tác cấp địa phương, hiện Thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 54 địa phương nước ngoài. Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác cấp địa phương vào chiều sâu, thực chất, Thành phố đã ban hành “Đề án Thúc đẩy quan hệ với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025”. Về công tác ngoại giao kinh tế, các hoạt động nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư tại Thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với 11.007 dự án có tổng số vốn đăng ký là 55,54 tỷ USD./..

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực