Đó là bí quyết được bà Vũ Thị Minh, Bí thư Chi bộ thôn Lời, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chia sẻ tại Chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía Bắc do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Bí thư chi bộ thôn Lời Vũ Thị Minh chia sẻ tại chương trình giao lưu - ảnh: HM
Nằm trên địa bàn đồi núi nên mật độ dân cư thôn Lời trải rộng theo tuyến đường đất dài 2,5 km. Trước khi có đường bê tông nông thôn, việc đi lại, sinh hoạt của bà con rất khó khăn, vất vả. Vào mùa mưa, bùn nước lầy lội khó đi, còn khô ráo thì bụi bẩn. Bà Minh nhớ lại: "ngày trước, mùa mưa là người già, trẻ em rất ngại ra đường vì trơn trượt, đi xe đạp không cẩn thận là ngã. Thương nhất là có cháu lập gia đình, xe hoa phải dừng ngoài đường nhựa, xách đồ đi bộ rất xa để vào nhà vì đường lầy lội không thể đi nổi. Đường xá không thuận tiện kéo theo sản xuất khó khăn, đời sống bà con khó phát triển".
Các thành viên trong chi bộ đều thấy để cuộc sống của người dân thôn Lời tốt đẹp hơn thì cần phải gỡ được điểm nghẽn về đường xá. Khi đó phong trào Tân Yên chung tay xây dựng nông thôn mới đang rất sôi nổi, Bí thư Chi bộ thôn Lời Vũ Thị Minh là người đặt quyết tâm phải hoàn thành tuyến đường bê tông trong thôn theo tiêu chí nông thôn mới, khắc phục tình trạng giao thông đường đất vốn đã tồn tại nhiều đời tại đây.
Ước muốn làm đường bê tông đã có từ lâu nhưng vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc làm đường trở nên khó thực hiện. Sau nhiều lần họp, bàn bạc, thống nhất, chi bộ thôn Lời lên nghị quyết chuyên đề về làm đường bê tông xi măng. Để Nghị quyết có thể được thực hiện, bà Minh đã vận dụng lời dạy của Bác, khó khăn phải dựa vào dân, đảng viên phải gương mẫu đi đầu để hóa giải những rào cản trong thực hiện quyết tâm thay đổi diện mạo cho làng quê mình.
Nhớ lại ngày ấy, bà Minh kể ngổn ngang bao việc phải làm, nhưng điều khó khăn, vướng nhất là tư tưởng, nhận thức của người dân chưa đồng thuận, chưa cùng nhìn về một hướng. Khi đề cập tới làm đường, nhiều gia đình chưa tin tưởng, chưa thực sự vào cuộc. Họ lo rằng con đường phải làm rất dài, đóng góp rồi liệu đường có về đến nhà mình không. Hiểu vấn đề cần phải được giải quyết, bí thư chi bộ Vũ Thị Minh đã bắt đầu từ việc xây dựng, gìn giữ sự đoàn kết trong thôn, bàn bạc, thống nhất để mọi người cùng nhìn thấy được lợi ích của con đường mang lại.
Cùng với đó chính quyền, ban lãnh đạo thôn xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết từng mét đường, dự kiến tiền cần đóng, sau đó đưa ra dân họp bàn, thảo luận, thông suốt rồi mới triển khai. Để người dân hiểu, ủng hộ không phải dễ, các đảng viên trong chi bộ phải gương mẫu đi đầu, tới từng nhà chia sẻ về chủ trương của Đảng để người dân hiểu nông thôn mới sẽ mang lại những lợi ích gì. Thôn Lời đã lấy Tổ liên gia tự quản làm nòng cốt trong công tác vận động, đặc biệt tranh thủ những người cao tuổi có uy tín đến từng nhà dân thuyết phục. Nhiều đảng viên đã gương mẫu đóng kinh phí, tự mình hiến đất, phá tường bao để giải phóng mặt bằng. Cá nhân Bí thư Chi bộ Vũ Thị Minh là người đầu tiên phá tường, hiến đất góp tiền ủng hộ việc làm đường bê tông trong xóm.
“Kinh nghiệm cho thấy cùng với sự gương mẫu, tích cực đi đầu của đảng viên thì nhân tố quan trọng để thành công đó là người dân được bàn, thông suốt tư tưởng, từ đó ủng hộ vào thì việc khó cũng sẽ thành công”- bà Minh chia sẻ.
Cách làm đúng, chi bộ thôn Lời đã vận động nhân dân hiến đất, nâng cấp các tuyến đường nội thôn
ảnh: HM
Cách làm đúng đã cho hiệu quả như mong đợi. Theo Nghị quyết chuyên đề do chi bộ đề ra, sẽ bê tông hóa 2.300m đường trong thôn. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chi bộ đã vận động nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn được 4.500 m2 đất, nâng cấp các tuyến đường nội thôn; vận động nhân dân tháo dỡ 220m tường rào, ủng hộ gần 1.000 ngày công. Kết quả thôn đã đổ được 2.465m đường bê tông xi măng với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.
Bí thư Chi bộ thôn Lời xúc động cho biết: Cùng chung sức, đồng lòng, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đó là kinh nghiệm thực hiện thành công để thôn Lời thay da, đổi thịt như ngày hôm nay. Trên đà thành công, bà Minh cho biết thời gian tới chi bộ thôn Lời sẽ tiếp tục vận động nhân dân để xây dựng nhà văn hóa cho thôn./.