Canh tác nương rẫy tự phát – mối nguy tiềm ẩn tới môi trường và sự mất cân bằng hệ sinh thái

Thứ tư, 10/04/2024 12:23
(ĐCSVN) - Làm nương rẫy là một tập quán có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi. Trong vài thập kỷ qua, cùng với sự gia tăng dân số ở miền núi là tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấy đất sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng. Tình trạng này đã làm cho tài nguyên rừng bị suy giảm, môi trường sinh thái bị phá hủy nghiêm trọng.

Canh tác nương rẫy là một phần quan trọng không thể thiếu trong sinh kế của nhiều cộng đồng vùng cao, với các loài cây trồng ngắn ngày phổ biến như lúa nương, ngô, sắn được canh tác theo các phương thức truyền thống và chủ yếu do các hộ gia đình nghèo thực hiện, và là một trong những nguyên nhân chính gây mất rừng tại vùng cao Tây Bắc, dẫn đến suy thoái, xói mòn đất, và rủi ro cao về kinh tế (ICRAF, 2012). Do canh tác nương rẫy thường xuyên phải luân canh và mở rộng diện tích mới, nên canh tác nương rẫy là nguyên nhân trực tiếp làm mất rừng; việc đốt dọn thực bì không được quản lý chặt chẽ cũng là nguyên nhân chủ yếu gây cháy rừng. Đốt nương làm rẫy là nguyên nhân gây ra 60 - 70% số vụ cháy rừng và khoảng 60% tổng diện tích rừng bị chặt phá trái phép hàng năm, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, xã hội, và môi trường sinh thái.

Sản xuất nương rẫy là kế sinh nhai đã trở thành tập quán lâu đời của cư dân sống ở vùng núi cao, đã và đang biến nhiều vùng đất đai trù phú và giàu tài nguyên trở thành hoang mạc, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Mất rừng làm phá vỡ cân bằng sinh thái, là nguyên nhân của tình trạng sạt lở đất, lũ quét và nạn rửa trôi, cuốn đi hàng triệu mét khối đất màu mỡ, để lại đằng sau là những bãi đất trống khô cằn, trơ sỏi đá, độ ẩm giảm sút, các loài cây chịu hạn hoang dại xuất hiện, như cây xương rồng, các loài cây có gai khác, sim mua, lau lách, cỏ tranh, cây le, nứa tép, các bãi đất trống cỏ may xâm lấn và ngày càng lan rộng. Khả năng phục hồi lại rừng hết sức khó khăn, năng suất cây trồng nông - lâm nghiệp giảm sút, hoặc hàng ngàn hécta đất không thể trồng trọt. Trong các nguyên nhân mất rừng thì sản xuất nương rẫy kiểu truyền thống, du canh là hình thức làm mất rừng nhiều nhất. Sản xuất nương rẫy truyền thống cùng với khói bụi và khí thải công nghiệp của các nước phát triển là nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, làm cho trái đất ngày ngày càng nóng lên, hạn hán, lũ lụt xảy ra bất thường. Các tác động của con người không những trực tiếp hủy hoại môi trường mà còn làm trầm trọng thêm các yếu tố mang tính quy luật của tự nhiên, nhất là các yếu tố nhạy cảm như thời tiết và khí hậu. Suy cho cùng thì nguyên nhân của tình trạng thoái hóa đất và sa mạc hóa phần lớn cho con người gây ra. Khắc phục tình trạng mất rừng và tập quán phát nương làm rẫy là giải pháp hàng đầu để bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái ở các vùng núi cao. Tuy nhiên, điều đó không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều, và ngay cả khi kinh tế đời sống của các cư dân đã phát triển, khoa học kỹ thuật trong sản xuất tiến bộ, thì vấn đề canh tác trên đất dốc vẫn luôn luôn tiềm ẩn của sự mất cân bằng sinh thái và đe dọa đến môi trường.

Hiểm họa khôn lường từ việc đốt nương làm rẫy 

Thực tế là cuộc sống của nhiều đồng bào các dân tộc ít người từ bao đời nay đã gắn bó với nương rẫy, việc xóa bỏ hoàn toàn đốt nương làm rẫy là điều chưa thể trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy nghiên cứu xác định biện pháp canh tác nương rẫy phù hợp, hiệu quả và bền vững là trách nhiệm của các nhà chuyên môn, các cấp quản lý và mọi người dân cần chung tay góp sức.

Trước hết, cần hạn chế các tác động của con người vào các yếu tố sinh thái của tự nhiên, tuân thủ sự tồn tại có tính quy luật của tự nhiên, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, khai thác gắn với tái sinh và bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp canh tác trên đất dốc một cách khoa học. Tăng cường công tác giáo dục và nâng cao năng lực cho người dân về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức cho nhân dân làm rừng đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó thu hút người dân bản địa tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Hiểu rõ những tác hại to lớn, nguy cơ tiềm ẩn do nạn phá rừng và tập quán sản xuất nương rẫy theo kiểu truyền thống gây ra. Trong canh tác nương rẫy cần xây dựng các công trình chống xói mòn, như đắp bờ hoặc đào rãnh theo đường đồng mức với kích thước 40cm x 40cm, hoặc trồng cây họ đậu theo đường đồng mức mật độ dày, vừa có tác dụng cản dòng chảy, chống xói mòn vừa tạo ra độ ẩm và bổ sung độ màu mỡ cho đất. Có thể dùng rơm rạ, cành lá, cỏ khô che phủ mặt đất khi canh tác. Phương pháp này có tác dụng chống xói mòn đất, giữ độ ẩm và tăng độ mùn cho đất. Xây dựng thành các thửa ruộng nương bậc thang, khai thác các nguồn nước để cấy lúa. Thực hiện canh tác theo phương thức nông lâm kết hợp, sử dụng có hiệu quả các loài cây trồng cạn chịu hạn, có năng suất cao, các loài cây họ đậu, cây có củ, cây ăn quả, cây dược liệu, kết hợp cây trồng nông nghiệp với cây lâm nghiệp, cây trồng cao, với cây trồng thấp, cây ngắn ngày với cây dài ngày, trồng trọt với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá,... Bằng cách đó sẽ tạo ra sự cân bằng sinh thái cục bộ, có khả năng giữ được độ ẩm, cản dòng chảy, chống xói mòn đất, làm cho độ phì của đất luôn luôn được bổ sung trong quá trình canh tác và từ nguồn phân hủy tự nhiên của lớp thảm thực vật, cành lá và các phụ phẩm sau thu hoạch. Kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại ở nhiều nơi cho thấy, canh tác nương rẫy theo phương thức nông - lâm kết hợp sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế khả quan, thu nhập tăng lên, đời sống được cải thiện, góp phần đáng kể vào chương trình xóa đói giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa, rừng được bảo vệ tốt hơn. Tuân thủ các biện pháp phòng chống cháy rừng, xây dựng ở những khu rừng dễ cháy các công trình cản lửa như băng trắng, đào đường hào ngăn cách, thường xuyên tuần tra canh gác để phát hiện và ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

Canh tác nông, lâm kết hợp là kết hợp một cách hài hòa cây lâm nghiệp và cây nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi trên một diện tích đất. Canh tác nông, lâm kết hợp có nhiều lợi ích: Trồng xen nhiều loài cây trên một diện tích rừng có tác dụng duy trì thảm thực vật, tạo mới và tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế cỏ dại, tăng khả năng thấm nước và giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi bề mặt, hạn chế lũ lụt trong mùa mưa và duy trì nước cho mùa khô, hạn chế cháy rừng, góp phần làm bền vững môi trường sinh thái, hạn chế sâu bệnh hại cây trồng…

Tuy nhiên, không phải rẫy nào cũng có điều kiện lý tưởng như trên mà phần lớn là không có nguồn nước tưới, vì vậy cần áp dụng biện pháp trồng xen cây lâm nghiệp và cây nông nghiệp để hỗ trợ lẫn nhau: Cây lâm nghiệp trồng với mật độ 500 - 600 cây/ha trên toàn bộ diện tích rẫy (chỉ bằng 1/2 trồng thuần), trồng thẳng hàng theo đường đồng mức (hàng cách hành 5m, cây cách cây 3m hoặc 4m), các băng đất trống giữa 2 hàng cây lâm nghiệp phần đỉnh đồi được bố trí trồng cỏ chịu hạn để chống xói mòn và phục vụ chăn nuôi; thời gian 1- 2 năm đầu phần sườn và chân đồi trồng xen các loài cây lương thực, thực phẩm (là các loài chỉ chờ nước mưa); khi rừng trồng đã có độ che bóng bề mặt đất đạt 30 - 40% (độ tàn che 0,3 - 0,4) phần sườn đồi trồng xen các cây dược liệu dưới tán rừng như: ba kích, sa nhân, gừng, nghệ, hương bài, sắn dây...; phần chân đồi vẫn có thể sử dụng trồng xen cây lương thực, thực phẩm, bí rẫy. Vì cây lâm nghiệp trồng thưa nên có thể trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu (loài chịu bóng) trong suốt chu kỳ đến lúc khai thác cây rừng. Kiểu canh tác này cây lâm nghiệp sẽ phát triển rất tốt nhờ quá trình chăm sóc cây trồng xen, giá trị rừng trồng không chỉ bằng mà còn cao hơn so với trồng mật độ thông thường 1.600 cây/ha bởi sản phẩm là cây gỗ lớn chứ không phải là gỗ nhỏ, gỗ nguyên liệu giấy sợi.

Nhiệm vụ của tổ chức và cán bộ khuyến nông cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con canh tác có hiệu quả và bền vững diện tích nương rẫy đã được quy hoạch: Một mặt tuyên truyền, giáo dục cho người dân nhận thức đầy đủ về vai trò giá trị to lớn của rừng, của việc gìn giữ và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên: Đất đai, nguồn nước, cây rừng, nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân về tác hại của việc đốt nương làm rẫy, những thảm hoạ do mất rừng và canh tác thiếu khoa học trên đất dốc gây nên biến đổi khí hậu và các hệ quả như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, cạn kiệt nguồn nước...; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, những hiểu biết về chủ trương của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy để đồng bào tự nguyện tham gia, từng bước chuyển đổi tập quán du canh, phát đốt, tra hạt quảng canh sang thâm canh tăng năng suất trên nương rẫy, canh tác tổng hợp nâng cao giá trị sử dụng đất. Đồng thời với tuyên truyền, vận động nhân dân là xây dựng mô hình trình diễn canh tác trên đất dốc tại các địa phương, tổ chức  tham quan các mô hình canh tác cố định có hiệu quả kinh tế cao trên các loại địa bàn và cho các dân tộc khác nhau; xây dựng tài liệu, tập huấn hướng dẫn người dân cách làm phù hợp./.

NTT (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực