Chủ động các biện pháp phòng, chống nắng nóng

Thứ tư, 13/03/2024 11:08
(ĐCSVN) - Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên khu vực biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia và các vùng đô thị của các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông và các thành phố: Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc. Nhiệt độ cao nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh từ 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm thấp nhất từ 50 - 60%. Thời gian nắng nóng trong ngày khoảng từ 11 giờ 30 phút - 15 giờ 30 phút.
 Sử dụng khăn, áo chống nắng mũ, nón… để có thể giảm thiểu tối đa tác động của nắng nóng - Ảnh chỉ có tính minh hoạ (Ảnh: Anh Khôi)

Nắng nóng trên địa bàn tiếp tục duy trì, cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng ở cấp 1. Do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với người tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.

Hiện nay, do nắng nóng, nhiều hộ nuôi cá phải bơm thêm 20% lượng nước để chống bốc hơi và giữ độ mát cho ao. Ông Nguyễn Văn Mười (xã tân Mỹ, huyện Thanh Bình) cho biết, ông có 5.000 m2 ao nuôi cá chạch lấu và cá heo. Trước khi chưa có nắng nóng, ông chỉ bơm lượng nước cao khoảng 1,4 m. Tuy nhiên, vào đợt nắng nóng gay gắt (nhiệt độ hơn 36 độ C), ông phải bơm thêm 20 cm nước, nâng mực nước lên 1,6 m để đủ độ mát cho cá.

Ông Nguyễn Thành Dũng (xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình) hiện trồng gần 1 ha mít Thái. Mùa này nắng nóng, đất trồng mít mau khô. Do đó, ông Dũng cho biết phải tăng lượng nước tưới hơn 30% so với trước đây.

Nắng nóng hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, hiện tượng El Nino sẽ khiến nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao. Tại một số địa phương khu vực Nam Bộ có thời tiết hanh khô, nắng nóng, nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Để chủ động phòng, chống cháy rừng, các chủ rừng cần đưa nước vào rừng giữ ẩm, thường xuyên vận hành máy chữa cháy 2 lần/tuần. Dự báo có 6 địa điểm rừng trong tỉnh có cấp độ cháy rừng ở cấp IV, cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn.

Trước tình trạng trên, tỉnh khuyến cáo, người dân trong mùa nắng nóng nên uống nhiều nước; điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt... Người dân nên mặc đồ nhẹ, rộng; đeo kính mát để bảo vệ mắt; giữ nhà cửa thông thoáng; tránh xa ánh nắng, nếu cần thiết phải ra nắng cần cố gắng chỉ trong thời gian ngắn; hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người.

Ngoài việc đề phòng nắng nóng, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã chủ động triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong phục vụ sản xuất nông nghiệp mùa khô năm 2023 - 2024. UBND tỉnh đề nghị, các huyện, thành phố trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật, khoanh vùng diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, không đủ nước; bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Nguyễn Phước Thiện đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Kế hoạch phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất năm 2024; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; thông tin dự báo về nguồn nước để người dân biết, chủ động sản xuất, sinh hoạt trước tình hình hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn.

Nguyễn Văn Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực