Khách Hòa đặt mục tiêu giảm phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ năm, 20/04/2023 09:47
(ĐCSVN) - Để hiện thực hóa được mục tiêu “Khánh Hòa là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức không của Việt Nam vào năm 2050”, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Khánh Hòa cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính bằng không giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và đồng chí Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trồng cây tại khu vực đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm). Ảnh: Báo Khánh Hòa 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), biến đổi nhiệt độ trong 40 năm (từ năm 1980 đến 2020) tại tỉnh Khánh Hòa cho thấy, nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng. Cụ thể, tốc độ tăng nhiệt độ trung bình năm tại các trạm như sau: 0,028°C/năm tại trạm Nha Trang; 0,032°C/năm tại trạm Cam Ranh; 0,017°C/năm tại trạm Trường Sa. Biến đổi của lượng mưa tăng nhẹ với tốc độ tăng 0,475%/năm ở Nha Trang; tăng 0,691%/năm ở Cam Ranh và tăng khoảng 0,664%/năm ở Trường Sa. Như vậy, trong 40 năm qua, nhiệt độ trung bình tại Khánh Hòa tăng khoảng 1,1 đến 1,3°C; lượng mưa tăng khoảng 19 đến 28%.

Do tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Khánh Hòa đã liên tục chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai cực đoan (bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, sét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn). Theo số liệu thống kê thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất, hạn hán xảy ra trong 5 năm gần đây (2017 - 2021) đã làm 80 người chết; hơn 95.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 950.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều công trình hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng, với tổng thiệt hại khoảng 18.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp cả về tần suất và cường độ, đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử diễn ra từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 đã làm hơn 18.400ha đất trồng lúa phải dừng sản xuất, hơn 52.000ha cây trồng khác bị ảnh hưởng; hơn 16.600 hộ với 72.900 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt; ước thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.

Những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nhiều chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ môi trường nhằm góp phần hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như: Hạn chế cấp phép đầu tư đối với các dự án tiêu tốn năng lượng, phát thải khí nhà kính; kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo cơ chế sạch; khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch (năng lượng điện gió, mặt trời, thủy điện); phục hồi rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học; xây kè, hồ chứa nước, mốc báo lũ, xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt... Qua đó, đã phần nào hạn chế sự tác động của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để hiện thực hóa được mục tiêu “Khánh Hòa là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức không của Việt Nam vào năm 2050”, ông Bùi Minh Sơn - Trưởng phòng Khoáng sản, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - Sở TN-MT cho biết, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính bằng không giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý. 

Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng sẽ cung cấp cho các ngành công nghiệp năng lượng xanh và giá thành rẻ, với sáng kiến chính bao gồm: Phát triển điện khí với tiềm năng chế biến năng lượng lạnh tại Khu Kinh tế Vân Phong; tăng năng lượng mặt trời trên mái nhà với việc hỗ trợ ắc-quy và áp dụng trạm năng lượng mặt trời nổi, quy hoạch phát triển tại khu vực thị xã Ninh Hòa; phát triển mạng lưới điện 110kV ở nông thôn và nông nghiệp công nghệ cao áp dụng nông nghiệp kết hợp phát điện mặt trời. Đối với quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nông nghiệp nông thôn, chất thải y tế, chất thải công nghiệp, cần phải lựa chọn công nghệ tiên tiến đã được áp dụng trên thế giới, được phân tích và sàng lọc, áp dụng công nghệ xử lý trung gian nhằm giảm thiểu chất thải chôn lấp.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tổ chức tuyên truyền những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng về trách nhiệm, lợi ích của giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, sản xuất xanh; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng đối với chất thải có thể tái chế, tái sử dụng; huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát phát thải và thực hiện giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện cam kết trồng rừng và sử dụng đất…

MP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực