Mùa khô 2022 có thể tương đương mùa khô năm 2021

Thứ ba, 18/01/2022 09:21
(ĐCSVN) - Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam dự kiến, năm 2022, Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ lại có thêm một mùa khô thiếu nước, nhưng mức độ không trầm trọng như mùa khô năm 2020, có thể sẽ tương đương như mùa khô năm 2021.
 Biểu đồ minh họa tổng lượng dòng chảy sông Mê Công đến Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô năm 2020 - 2021. (nguồn: Cục Quản lý Tài nguyên nước)

Lượng mưa trong mùa khô 2021 vùng Hạ lưu vực sông Mê Công thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%

Theo phân tích, đánh giá của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, trong mùa lũ năm 2021 (từ ngày 01/6 đến ngày 30/11/2021), tổng lượng mưa trung bình trên toàn lưu vực sông Mê Công đạt khoảng 1.086 mm, thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm (giai đoạn 2012 - 2020) là 1.132 mm.

Tổng lượng dòng chảy mùa lũ cũng chỉ đạt 240 tỷ m3, thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm là 21%, tuy nhiên cao hơn mùa lũ năm 2020 khoảng 14% và cao hơn 6% so với mùa lũ năm 2019.

Số liệu quan trắc cho thấy, tổng lưu lượng lũ năm 2021 qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc khá thấp. Mực nước tại trạm Tân Châu luôn ở mức dưới giá trị trung bình nhiều năm, mực nước lớn nhất trong mùa lũ chỉ đạt 2,73 m (vào ngày 22/10) thấp hơn mức báo động I là 0,8 m. Mặc dù dòng chảy được bổ sung do lượng mưa cuối mùa tăng ở thượng nguồn, nhưng tổng lượng dòng chảy mùa lũ qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc cũng chỉ đạt 249 tỷ m3, cao hơn khoảng 37 tỷ m3 so với năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 40 tỷ m3, tương đương 14%.

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, trong cả mùa lũ, lượng mưa ở hầu hết các khu vực trên lưu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc lượng mưa thiếu hụt 15% so với trung bình nhiều năm. Các khu vực khác như vùng Bắc Lào và Thái Lan, vùng Trung, Nam Lào và Tây Nguyên, vùng Châu thổ sông Mê Công có lượng mưa thiếu hụt từ 5% đến 10% với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm. Chỉ riêng vùng Đông Bắc Thái Lan là có lượng mưa xấp xỉ giá trị trung bình nhiều năm.

Do lượng mưa trong mùa khô 2021 vùng Hạ lưu vực sông Mê Công thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20%, nên nền tài nguyên nước đầu mùa lũ 2021 ở mức thấp, đồng thời trong thời gian đầu mùa lũ ít mưa, nên các hồ chứa gia tăng tích nước để cung cấp cho nhu cầu tưới, do đó trong mùa lũ sử dụng nước ở vùng thượng nguồn tăng khoảng 5% so với trung bình nhiều năm.

Cũng do dòng chảy mùa khô năm 2021 khá thấp, đồng thời vào đầu và giữa mùa lũ thiếu mưa dẫn đến các hồ chứa trong vùng Hạ lưu vực đều tăng cường tích nước phục vụ phát điện trong mùa lũ 2021 và chuẩn bị nguồn nước cho mùa khô năm 2022.

Tóm lại, tổng lượng dòng chảy mùa lũ 2021 của sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng chủ yếu do tình hình mưa ít trên hầu như toàn lưu vực sông Mê Công. Điều kiện nền thủy văn thấp dẫn đến việc hệ thống các hồ chứa tích nước cả thời kỳ giữa mùa lũ và gia tăng sử dụng nước trên lưu vực. Mối liên hệ hữu cơ này đã dẫn đến tình trạng dòng chảy lũ trên sông Mê Công có những thời điểm xuống thấp hơn cả mức lịch sử như đã nêu trên. Mặc dù vào cuối mùa lượng mưa có tăng tại vùng Hạ lưu vực sông Mê Công nhưng cũng không đủ để làm xuất hiện một đợt lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhận định diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2022

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO vẫn tiếp tục ở trạng thái La Nina đến hết tháng 02/2022 với xác suất khoảng 90%; từ tháng 3-5/2022 ENSO vẫn ở trạng thái La Nina nhưng yếu hơn với xác suất khoảng 50%. Sau đó, nhiệt độ mặt nước biển tiếp tục tăng và ENSO có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính.

Uỷ hội sông Mê Công quốc tế cho rằng, mùa khô 2022, tình hình mưa trên lưu vực sông Mê Công vẫn có xu thế ít mưa ở khu vực thượng nguồn và mưa nhiều hơn ở khu vực hạ nguồn với tổng lượng mưa xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào mùa khô 2022, tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ thiếu hụt so với lượng mưa trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-20%.

Còn theo các thông tin từ một số tổ chức quốc tế, trong đó có Trung tâm Stimson (Hoa Kỳ), tính đến cuối tháng 12/2021, các hồ chứa thượng nguồn ở Trung Quốc vẫn khá đầy nước, ước tính đạt 85% tổng dung tích hữu tích, việc xả nước trong tháng 12/2021 vẫn cầm chừng. Qua theo dõi hơn 4 năm, việc xả nước từ các hồ thủy điện phía Trung Quốc sẽ tăng trong các tháng đầu năm.

Theo các thông tin thu thập được, đến tháng 12 năm 2021, các hồ chứa trên Hạ lưu vực đã tích lượng nước cao hơn so năm 2020 từ 5-10% tổng dung tích,và cũng đã gần tương đương trung bình nhiều năm cùng kỳ, do vậy sẽ không căng thẳng và sẵn sàng cho việc xả nước cho phát điện và cấp nước tưới cho mùa khô năm 2022.

Về dự báo thủy triều của Viện Kỹ thuật biển, trong 06 tháng đầu năm 2022, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ có 03 đợt triều cường ở mức cao trong khoảng thời gian từ ngày 28/01-03/02, 26/02-05/3 và 28/3-03/4.

Trong những năm gần đây, sử dụng nước của các quốc gia trong vùng Hạ lưu vực có xu thế gia tăng so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng, mưa ít nên nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh, đồng thời các quốc gia cũng gia tăng các hoạt động khai thác sử dụng nước trên lưu vực.

 (nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Sơ bộ có thể đánh giá, trong mùa khô 2022, sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn vùng Hạ lưu vực sông Mê Công gia tăng: Lào tăng khoảng 5%, Campuchia tăng khoảng 10% và Thái Lan tăng khoảng 10% so với giá trị sử dụng nước trung bình nhiều năm (giai đoạn 2000 – 2018). Việc gia tăng sử dụng nước sẽ tác động trực tiếp đến giai đoạn kiệt nhất của dòng chảy đến Đồng bằng sông Cửu Long là giai đoạn từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, do đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian này.

Dựa trên các kết quả nhận định về diễn biến mưa trên lưu vực sông Mê Công, tình hình sử dụng nước trên lưu vực, tình hình trữ nước của các hồ chứa trên vùng thượng nguồn và chế độ triều Biển Đông và Biển Tây, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nhận định sơ bộ tình hình tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2022 như sau:

Tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô năm 2022 (từ tháng 1/2022 đến hết tháng 5/2022) đạt khoảng 65,5 tỷ m3, gần với giá trị trung bình nhiều năm, cao hơn mùa khô 2020 khoảng 2,5 tỷ m3 và mùa khô 2021 khoảng 1,2 tỷ m3.

Tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2022: Tuy tổng lượng dòng chảy về đến Tân Châu và Châu Đốc trong mùa khô không thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm, nhưng trong thời đoạn cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm. Đây là thời điểm triều cao, do vậy:

Ranh giới xâm nhâp mặn mức độ 1g/l: Trên sông Tiền sẽ vào sâu từ 45 km đến 55 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 2 km đến 6 km; trên sông Hậu sẽ vào sâu từ 40km đến 70 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 4 km đến 12 km; trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ vào sâu từ 65 km đến 100 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 5 km đến 10 km. Tuy nhiên: So với năm 2020 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 1g/l sẽ giảm trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ Tây lần lượt khoảng 25-30 km, 15-30 km và 20-35 km tùy theo các tháng. So với năm 2021 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 1g/l sẽ giảm trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ Tây khoảng 1-4 km tùy theo các tháng.

Ranh giới xâm nhâp mặn mức độ 4 g/l: Trên sông Tiền sẽ vào sâu từ 40 km đến 50 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 1 km đến 5 km; trên sông Hậu sẽ vào sâu từ 40 km đến 60 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 1 km đến 6 km; trên sông Vàm Cỏ Tây sẽ vào sâu từ 65 km đến 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 2 km đến 10 km. Tuy nhiên: So với năm 2020 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 4g/l sẽ giảm trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ Tây lần lượt khoảng 10-18 km, 15-22 km và 20-30 km tùy theo các tháng. So với năm 2021 thì các chiều sâu xâm nhập mặn ranh 4g/l sẽ giảm trên các sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ Tây khoảng 1-3 km tùy theo các tháng.

Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ lại có thêm một mùa khô thiếu nước nhưng mức độ không trầm trọng như mùa khô năm 2020, có thể sẽ tương đương như mùa khô năm 2021.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực