Quyết tâm xử lý rác thải theo hướng bền vững tại một số địa phương

Thứ năm, 22/06/2023 10:30
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số đã tạo áp lực lớn đến môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt, công nghiệp thải ra ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát, xử lý các loại rác thải còn nhiều hạn chế, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của con người. Do vậy, một số địa phương trên cả nước đã có những định hướng và quyết tâm xử lý rác thải theo hướng bền vững.

Tại Tỉnh Thanh Hóa, để xử lý lượng rác thải đang ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Lam Sơn đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường Thanh Hóa và UBND huyện Thường Xuân nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân.

Đến nay, công nghệ này đã chứng tỏ nhiều ưu thế, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xử lý rác hiệu quả tại các bãi rác.

Hệ thống xử lý rác này được ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Lam Sơn chế tạo có công suất xử lý 150 tấn/ngày. Tại huyện Thường Xuân, mỗi ngày có khoảng 50 tấn rác được đưa về đây xử lý, thì trong 3 ngày hệ thống này mới phải chạy một lần. Từ năm 2020, huyện Thường Xuân bắt đầu dừng chôn lấp tác, rác thải sinh hoạt tại một số xã đã được thu gom đưa về đây xử lý.

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt do ông Bình chế tạo thực hiện qua 3 công đoạn chính. Rác vận chuyển về nơi tập kết được phun chế phẩm sinh học theo từng lớp, đánh đống ủ vi sinh từ 20 - 25 ngày. Sau khi ủ, rác được đưa lên sàng phân loại. Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ: gạch, đá, thủy tinh…và nilon, nhựa được phân loại riêng để tái chế. Rác hữu cơ không thể tái chế, chiếm khoảng 10% sẽ được đưa vào lò đốt.Ngoài huyện Thường Xuân, hệ thống này cũng đã xử lý thành công 3.000 tấn rác thải ở huyện Nga Sơn, giảm tình trạng quá tải của bãi rác. 

Nhà máy xử lý rác thải

Một số địa phương trên cả nước đã đến tìm hiểu công nghệ xử lý rác này. Một số tỉnh như Bắc Giang, Tuyên Quang đã áp dụng hệ thống này để thực hiện xử lý rác. Theo đánh giá của một số cơ quan chuyên môn, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần môi trường Lam Sơn được xem là hệ thống xử lý rác hiệu quả, thân thiện với môi trường, sản phẩm thu hồi có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có khoảng 2.700 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, nhiều bãi rác xử lý chôn lấp đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ xử lý rác sinh hoạt thông qua việc phân loại, tái chế như thế này là vô cùng cấp thiết, nhằm góp phấn nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường một cách bền vững.

Vừa qua, UBND Thành phố Bắc Giang vừa phê duyệt kết quả đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác bằng công nghệ châu Âu tại phường Đa Mai. Đơn vị trúng đấu giá là liên danh Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh SERAPHIN và Công ty cổ phần Điện gió Khe Sanh.

Hiện nhà đầu tư đang chuẩn bị các điều kiện, thủ tục để xây dựng nhà máy xử lý rác và phát điện trên tổng diện tích gần 66 nghìn m2 với công nghệ đồng bộ, tiên tiến, khép kín (đốt rác không qua phân loại để phát điện).

Nhà máy sẽ xử lý rác thải sinh hoạt cho TP Bắc Giang và một một số địa phương trong và ngoài tỉnh, với khối lượng 160 tấn/ngày. Việc xây dựng nhà máy xử lý rác có phát điện nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, hướng tới xây dựng đô thị xanh sạch.

Nhà máy dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, có công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt không phân loại/ngày đêm. Công suất phát điện lên lưới điện quốc gia khoảng 12 MW.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh có 06 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang triển khai đầu tư xây dựng. 05 trong 06 dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Nhà máy  xử lý rác thải tại Bình Định

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định xác định: Trong năm 2023, sẽ có 05 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hoàn thành và đi vào hoạt động, gồm: Dự án mở rộng bãi chôn lấp CTRSH huyện Phù Cát (thuộc địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) do UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư; Lò đốt CTRSH xã Nhơn Châu, công suất 330 kg/giờ (thuộc địa bàn xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) do UBND xã Nhơn Châu làm chủ đầu tư; Dự án mở rộng Khu chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ (ô A4, thuộc địa bàn TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) do Ban quản lý Dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư; Bãi chôn lấp rác thải của huyện Vân Canh (thuộc địa bàn xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) do UBND huyện Vân Canh làm chủ đầu tư; Lò đốt CTRSH công suất 1.000 kg/giờ tại xã An Hòa, huyện An Lão, do UBND huyện An Lão làm chủ đầu tư…

Cũng theo Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định, riêng dự án Khu xử lý chất thải rắn phục vụ Khu kinh tế Nhơn Hội (do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư) đã xây dựng xong từ năm 2017, tuy nhiên, vì nhiều ly do khách quan nên chưa thể đưa vào hoạt động.

Được biết, hiện dự án này đang được UBND  tỉnh lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư bổ sung một số hạng mục. Sau khi hoàn thành các hạng mục bổ sung tỉnh sẽ cho đưa vào hoạt động. Và, khi các dự án trên hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, tại Hội thảo bàn giải pháp ứng dụng công nghệ để xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp đề nghị tỉnh Bình Định ứng dụng tổng hợp các công nghệ như: Xử lý rác thải bằng đốt rác phát điện, xử lý rác thải tươi ủ phân compost; ủ rác thải để thu khí metan và phân compost; xây dựng bãi rác tuần hoàn; … và thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng xã hội hóa.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí để kêu gọi các doanh nghiệp vào Bình Định đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt ứng dụng công nghệ hiện đại theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch với những chính sách ưu đãi của tỉnh khi thu hút các nhà đầu tư, nhằm hướng tới nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, TP. Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh đưa ra phương án hợp tác với doanh nghiệp ở Tỉnh Hòa Bình xử lý toàn bộ rác thải cho thành phố theo hướng bền vững để không còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Hai bên sẽ phối hợp triển khai phân loại thành rác vô cơ, rác hữu cơ tại địa phương, sau đó rác được đóng vào các container đưa đi xử lý bằng phương pháp đốt đối với rác vô cơ, hoặc làm phân bón đối với rác hữu cơ tại tỉnh Hòa Bình.

Dự kiến, doanh nghiệp này có thể xử lý được 600 tấn rác/ngày cho thành phố Hạ Long, trong đó 350 tấn rác được thải ra hàng ngày và 250 tấn rác tồn đang được tập trung ở bãi rác Hòa Bình. Với kế hoạch trên, dự kiến chỉ trong 2 - 3 năm là toàn bộ rác đang tập kết chưa được xử lý ở bãi rác xã Hòa Bình sẽ được xử lý dứt điểm.

Cùng với đó, thành phố đang tích cực tìm nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện tại xã Sơn Dương đã được quy hoạch.

Kể từ tháng 8/2021 sự bất đồng về tài chính giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp đầu tư dự án xử lý rác thải rắn là Công ty Indevco đã làm cho vấn đề rác thải sinh hoạt trở thành bài toán khó đối với chình quyền Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên.  Với phản ứng tiêu cực của Công ty Indevco khi không cho phép một doanh nghiệp thu gom, xử lý rác thải mượn đường vào đổ rác, thành phố du lịch Hạ Long lâm vào cảnh ngập ngụa rác thải kéo dài nhiều ngày.

Đại diện Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hạ Long Trần Ngọc Thế chia sẻ, rác không thể ngừng xử lý rác thải mỗi ngày, do vậy giải pháp tìm các nhà đầu tư mới hay hợp tác với các đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt có năng lực để xử lý rác sinh hoạt thải mỗi ngày và lượng rác tồn dư khổng lồ ở thành phố Hạ Long là vấn đề cấp bách cần được chính quyền cấp tỉnh, thành phố quan tâm, ưu tiên hàng đầu./.

VH(Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực