Rừng ngập mặn đang dần suy giảm nhanh chóng

Thứ ba, 09/04/2024 16:50
Rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, được xem là "vườn ươm” cho nhiều loài sinh vật biển, làm "lá chắn” hiệu quả của vùng ven biển trước những cơn bão và sóng thần. Vì tính chất môi trường nên rừng ngập mặn thông thường phân bố tại các vùng ven biển. Tuy nhiên, hiện nay diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp nghiêm trọng.

Việt Nam hiện có 200 nghìn ha rừng ngập mặn. Trong thời gian qua, Việt Nam và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực trồng và phục hồi hơn 4 nghìn ha rừng ngập mặn, sắp sẽ có thêm một dự án do Canađa tài trợ để bảo vệ và tạo thêm 1 nghìn ha rừng ngập mặn nữa.

Rừng ngập mặn bảo vệ đất đai, chống xói lở bờ biển 

Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ, chạy dọc theo 28 tỉnh và thành phố từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Càu Mau. Chạy dọc theo đường bờ biển, có một số khu rừng ngập mặn lớn như: rừng ngập mặn Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), rừng ngập mặn Rú Chà (tỉnh Thừa Thiên - Huế), rừng ngập mặn nguyên sinh ở Tam Giang (tỉnh Quảng Nam), rừng ngập mặn ở Cà Mau. Đặc biệt, rừng ngập mặn Cần Giờ với tổng diện tích nên tới khoảng 37.000 ha, được mệnh danh là khu rừng ngập mặn đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác chặt phá rừng diễn ra một cách khá phổ biến. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.

Các nguyên nhân dẫn đến mất rừng ngập mặn trong giai đoạn này bao gồm chuyển đổi rừng ngập mặn sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, mất rừng do bom đạn chiến tranh, và do đô thị hóa. Mất rừng ngập mặn dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, mất sinh cảnh và các bãi sinh sản cho nhiều loài cá và thủy sản, phá hủy chu trình dinh dưỡng trong các vùng rừng ngập mặn, và đặc biệt là làm suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, vùng ven biển là nơi đối mặt trực diện với các tác động của biến đổi khí hậu. Tuy diện tích chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích rừng của Việt Nam (14,4 triệu héc-ta), rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng ngập mặn thông qua các chính sách, ví dụ như Nghị định 119/2016/NĐ-CP, với cam kết bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn theo hướng bền vững, đặc biệt tại các vùng ven biển. Quản lý và phục hồi rừng ngập mặn cũng được coi là một giải pháp quan trọng nêu tại đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết (INDC) của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn đang chịu áp lực rất lớn từ hoạt động của con người trong khi vai trò của chúng trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thường bị bỏ qua. Rừng ngập mặn tiếp tục bị chặt hạ để lấy gỗ, lấy củi, chuyển đổi thành các dự án phát triển ven biển và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính, góp phần làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu.

Các nghiên cứu đều cho thấy rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon, giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí cacbonic khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối. Mặt khác, nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên.

Với vai trò là “bức tường xanh”, rừng ngập mặn cũng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường.

PN (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực