Sản xuất nông nghiệp thích ứng hạn mặn

Từng bước kiểm soát để hạn mặn không còn là vấn đề nghiêm trọng
Thứ ba, 09/04/2024 16:50
(ĐCSVN) – Tình hình khô hạn gay gắt đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình này các địa phương tại ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với hạn mặn để có thể giảm bớt thiệt hại trong sản xuất, sinh hoạt.

Thiệt hại giảm dần nhờ chủ động

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là 8 tỉnh ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn. Năm 2015 - 2016 và 2019-2020 là hai năm xâm nhập mặn rất nghiêm trọng của vùng. Năm 2016, xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền tới 90-10km, với 10/13 tỉnh ĐBSCL công bố thiệt hại, tổng diện tích lúa thiệt hại khoảng 180.000ha, khoảng 194.000 hộ gia đình và 900.000 người.

Năm 2019-2020, nhờ chủ động ứng phó, diện tích lúa thiệt hại khoảng 14%, cây trái 85%, 24% người dân ven biển bị ảnh hưởng. Tình hình xâm nhập mặn và hạn hán ảnh hưởng rất nhiều đến hiện trạng canh tác và người dân sống ven biển, tình hình hạn hán cũng như sụt lún khu ven biển do khai thác quá mức nước ngầm khu vực ven biển, đặc biệt là Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Số liệu của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ nêu rõ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8- 13/3 với ranh mặn 4‰ lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66 km, có nơi sâu hơn, riêng tại Bến Tre có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn sâu nhất năm 2016 – năm hạn mặn kỷ lục đã xảy ra ở ĐBSCL.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mặc dù hạn mặn cao hơn trung bình nhiều năm, có thời điểm vào sâu hơn cả năm 2016, nhưng đến thời điểm này, thiệt hại chỉ xảy ra ở một số nơi do canh tác ngoài khuyến cáo. Còn toàn bộ diện tích 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân đã thu hoạch phần lớn đạt năng suất tốt, hiện còn 78.000ha đang trổ, có nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000ha.

Các cống, đập, đê bao tại Bến Tre đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt

Nhờ chủ động triển khai các giải pháp ngay từ khi có dự báo sớm vào đầu mùa khô, sản xuất nông nghiệp không có nhiều thiệt hại so với các năm trước, nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang có chiều hướng nghiêm trọng hơn do hạn hán kéo dài. Thông tin tại Hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long" ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN&PT tỉnh Bến Tre: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đề ra 2 giải pháp, trước tiên là bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước TP. Bến Tre và các khu công nghiệp. Song song đó, phải bảo vệ vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Hiện, tỉnh cơ bản đảm bảo được các phương án dự phòng đưa ra, nhưng nếu thời gian mưa trễ, nắng kéo dài thì sức chịu đựng của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân gặp khó khăn.

“Kinh nghiệm của các năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng, công tác chuẩn bị, công tác dự báo chính xác, kịp thời, do đó lãnh đạo các địa phương sẽ chủ động tuyên truyền người dân thì việc ứng phó, công tác chuẩn bị được tốt hơn sẽ hạn chế thiệt hại, giảm đáng kể”, ông Thắm nói. Theo ông Thắm, hằng năm, tỉnh chịu rất nhiều ảnh hưởng của hạn mặn, sạt lở nên người dân của tỉnh gần như thích ứng biến đổi khí hậu. Theo dự báo năm nay, tỉnh nhận thấy rằng số liệu thực tế với số liệu quan trắc của các Đài khí tượng thủy văn khá tương đồng và chính xác.

Nhiều diện tích đất sản xuất khô hạn do thiếu nước 

Hạn mặn chỉ còn là câu chuyện cao hay thấp

Theo ông Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT): Về giải pháp công trình, trong vùng ĐBSCL đã được đầu tư những dự án thủy lợi lớn như Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả cho vùng Hậu Giang, Kiên Giang; hay cống Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang mặc dù chưa xong nhưng đã kịp thời kiểm soát, nhất là bảo vệ nhà máy nước Đồng Tâm Tiền Giang.

Ông Hoằng nhận định, những năm qua, những dự báo, đầu tư công trình, chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT và các địa phương đã mang lại kết quả tốt, khi chủ động có dự báo sớm sẽ giảm rất nhiều tác động và thiệt hại. Cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn.

Chia sẻ thực tiễn ghi nhận tại Cà Mau, PGS.TS Lê Anh Tuấn - cố vấn khoa học Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, gần như theo chu kỳ từ năm 2016, rồi 2020 và nay là 2024, cứ 4 năm một lần sẽ có đợt hạn hán, xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm. Ngoài tác động thiếu nước ngọt ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, còn vấn đề về sụt lún trong ĐBSCL của những mùa khô gần đây.

Người dân trữ nước ngọt trong lu, vại dùng cho sinh hoạt giữa mùa khô 

Người dân ven biển của ĐBSCL đã sống chung với hạn, mặn từ 300 năm nay rồi. Tuy nhiên, càng ngày càng phức tạp hơn, người dân hoàn toàn chủ động việc này, vì họ sẽ phải tìm giải pháp để giảm thiệt hại. Ở các vùng ngọt, chưa cần tới dự báo của cơ quan chức năng, họ đã tự dự báo và chuẩn bị ứng phó, như xuống giống sớm hơn để tránh hạn, mặn.

Mặc dù chỉ đạo của cấp chính quyền là xuống giống trước cuối tháng 12/2023, nhưng có nhiều vùng giữa tháng 11/2023 đã xuống giống rồi, vì liên quan sinh kế của họ, nên phải chủ động. "Năm 2016, có 10/13 tỉnh thành phát cảnh báo về hạn mặn, kêu gọi các tổ chức hộ trợ. Năm nay dù hạn, mặn cũng rất khốc liệt, nhưng người dân cũng như các địa phương đã chủ động hơn. Giải pháp thiết thực lúc này là nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng hạn, mặn hiệu quả. Lúc đó chúng ta có thể coi hạn, mặn không phải là vấn đề gì nghiêm trọng" - ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh./.

VA (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực