Tiền Giang: Tăng cường quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường

Thứ hai, 21/08/2023 19:21
(ĐCSVN) - Tỉnh Tiền Giang triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời phát hiện, chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, qua gần 7 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 18/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được sắp xếp ổn định, từng bước đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra; các nhiệm vụ, chương trình, dự án về môi trường được quan tâm triển khai thực hiện; hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hiệu quả, kịp thời xử lý các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, không phát sinh các điểm nóng về bức xúc, ô nhiễm môi trường kéo dài.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đặt ra chưa đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu thực tiễn như: tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, quản lý theo quy định còn thấp; còn 80% các cụm công nghiệp (4/5 cụm) đang hoạt động chưa xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, 03 khu đô thị (thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy) chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải nông thôn còn thấp, việc vứt rác thải bừa bãi diễn ra ngày càng nhiều, công tác quản lý rác thải khu vực nông thôn còn gặp một số khó khăn nhất định.

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên chủ yếu là do một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm nhiều trong lãnh đạo nhiệm vụ bảo vệ môi trường; công tác quản lý nhà nước về môi trường đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức; ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, còn khoảng cách giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện, chưa hình thành được thói quen, ý thức tự giác về bảo vệ môi trường trong xã hội.

Nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm ngăn ngừa tình trạng ùn ứ rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, hằng ngày, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng từ 501,97 tấn/ngày đến 600 tấn/ngày, trong đó, phát sinh nhiều nhất là thành phố Mỹ Tho (khoảng 172 tấn/ngày) và thấp nhất là Tân Phú Đông (trên 6 tấn/ngày). Các địa phương đều hợp đồng và bố trí các điểm thu gom, xử lý rác thải thông qua các đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày theo phạm vi từng địa bàn huyện, thành, thị xã.

Toàn tỉnh có 8 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có 6 bãi chôn lấp đang hoạt động, 2 bãi chôn lấp đã ngừng hoạt động. Đa phần các bãi chôn lấp đều trong tình trạng quá tải, chưa thực hiện đúng quy trình chôn lấp hợp vệ sinh, mùi hôi và nước rỉ rác ảnh hướng đến môi trường xung quanh. Các dự án về xử lý rác thải như: Nhà máy xử lý rác thải tại Bãi rác Tân Lập 1, huyện Tân Phước và dự án xử lý rác thải tại Bãi rác Long Chánh, thị xã Gò Công còn chậm được triển khai xây dựng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chủ động xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, tỉnh Tiền Giang xác định, môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với việc bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; luôn ưu tiên đảm bảo chất lượng cuộc sống và sức khỏe Nhân dân. 

Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; kết hợp đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp về bảo vệ môi trường; các chỉ tiêu về chất lượng môi trường ngày càng được nâng cao, bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái; chủ động giám sát, kiểm soát công tác quản lý môi trường, ngăn ngừa và hạn chế tối đa mức độ gia tăng ô nhiễm; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của hệ thống chính trị, của các tổ chức cá nhân.

Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục có lắp đặt và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; kiểm soát không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98,5%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 80%.... Hoàn thành quy hoạch vị trí xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho 03 khu đô thị (thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy).

Đến năm 2030, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục có lắp đặt và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; kiểm soát không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 99%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 85%. Tỷ lệ chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý đạt 100%...Phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho 03 khu đô thị (thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy).

Các địa phương tăng cường chỉ đạo, khuyến khích, huy động các lực lượng tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường được địa phương này chú trọng. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong hệ thống trường học, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị nhằm cung cấp kiến thức, xây dựng ý thức tự giác bảo vệ môi trường của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động và học viên. Tiếp tục triển khai Cuộc vận động "Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường"... 

Các cơ quan thông tin, tuyên truyền và hệ thống truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự, hình ảnh về các hoạt động vệ sinh môi trường và phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường như: Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường; khu dân cư sạch đẹp, tự quản về vệ sinh môi trường; tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, an ninh; tuyến đường do các đoàn thể tự quản; đoạn đường không rác; hàng rào cây xanh; đường hoa - nhà hoa; dòng kênh tự quản; hố rác gia đình...đặc biệt là đối với các hộ gia đình và cộng đồng dân cư ở các xã nông thôn mới để thúc đẩy cải thiện môi trường và sớm đạt các tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Vận động người dân, hộ gia đình khu vực nông thôn tích cực thu gom, phân loại xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình; xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi đúng quy định; không đổ rác bừa bãi, nhất là các bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xác súc vật chết ở nơi công cộng; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần… Chú trọng xây dựng và thực hiện các quy chế, hương ước, quy ước, cam kết về bảo vệ môi  trường tại khu dân cư; việc bình xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa; có chính sách khen thưởng đối với các sáng kiến, giải pháp, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng môi trường.

Cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy và thị xã Gò Công lãnh đạo phấn đấu thực hiện hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 03 khu đô thị (thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy) theo mục tiêu Nghị quyết này đề ra; trong đó, giao Ban Thường vụ Thành ủy Mỹ Tho, Thị ủy Gò Công, Thị ủy Cai Lậy lãnh đạo toàn diện để thực hiện nhiệm vụ này trên địa bàn quản lý. Tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là ở cấp xã theo hướng nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cấp cơ sở. 

Rà soát các quy định pháp luật, xác định trách nhiệm và phân công, phân cấp cụ thể cho các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tăng cường đào tạo chuyên môn sâu, bồi dưỡng kiến thức quản lý về bảo vệ môi trường bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Tập trung lãnh đạo nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn; đồng thời, chú trọng kiểm soát chất lượng môi trường không khí ở khu vực đô thị.

Đổi mới công tác quản lý rác thải sinh hoạt, triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác vô cơ, rác hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải, hạn chế xử lý chất thải vô cơ bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, xử lý chất thải nguy hại đúng quy định; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải phát sinh do dịch bệnh truyền nhiễm đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.  Gắn nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án  phát triển.

Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật. Hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư thuộc danh mục các loại hình sản xuất - kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp, làng nghề đảm bảo các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đang hoạt động và đầu tư mới phải đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định. Thực hiện tốt  công tác bảo vệ môi trường nông thôn, khu vực ven biển, thu gom rác thải nông thôn, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi, hạ tầng bảo vệ môi trường hoạt động kinh doanh, du lịch ven biển...

GT(tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực