Bình Dương: Số người mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao

Thứ bảy, 22/07/2017 11:33
(ĐCSVN) -Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện diễn biến của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh khá phức tạp bởi nhiều nguyên nhân, nhất là ý thức một bộ phận người dân về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Đây là nguyên nhân gia tăng và có thể làm bùng phát dịch trên địa bàn.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 3.000 ca mắc sốt xuất huyết. Bệnh xảy ra tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; trong đó những địa phương có số ca mắc tập trung ở thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát. Riêng địa bàn thị xã Thuận An, tính từ đầu năm đến hết tháng 4 đã ghi nhận 342 ca mắc, tăng 83 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016.

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương (Nguồn: Báo Bình Dương)

Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, số bệnh nhân là người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến, chỉ tính riêng tháng 6/2017 đã có 239 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Tại khoa Nhi của bệnh viện này, số ca mắc bệnh cũng không có dấu hiệu giảm. Chỉ riêng trong tháng 6, khoa Nhi đã tiếp nhận 137 ca nhập viện, trung bình mỗi ngày có tới 40 ca phải điều trị, không phân biệt độ tuổi.

Trong những ngày đầu tháng 7, số ca người lớn mắc sốt xuất huyết nhập viện ở Bình Dương mỗi ngày trung bình khoảng 30 bệnh nhân, có ngày lên tới hơn 40 bệnh nhân.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế Bình Dương đã đưa ra các biện pháp cụ thể như tích cực chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch; kiện toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động; kịp thời thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân bảo đảm không lây nhiễm chéo và giảm tải cho các cơ sở điều trị.

Theo Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Trúc, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, ngành chức năng cần tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng; điều tra, xử lý dịch theo quy định; tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để huy động cộng đồng tham gia phòng, chống dịch, vệ sinh nơi ở và thân thể là cách phòng chống bệnh tốt nhất…

Ngành Y tế Bình Dương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để dịch bệnh không bùng phát trên địa bàn tỉnh này. Sở Y tế thực hiện triệt để các chỉ đạo của Bộ Y tế tại các hội nghị phòng, chống dịch, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về phòng, chống sốt xuất huyết và Zika; trong đó giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2 - 3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch; bảo đảm 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun theo chỉ định của ngành Y tế.

Sở Y tế Bình Dương cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện trễ không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh cần tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, diệt côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên; tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến; bảo đảm đủ nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động đạt hiệu quả.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế Bình Dương đã đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh và các biện pháp phòng tránh; vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn; giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; đổ, hủy các vật dụng phế thải chứa nước; súc rửa bình hoa, lu khạp chứa nước thường xuyên; ngủ màn, sử dụng các biện pháp diệt muỗi truyền thống và bằng  hóa chất như hương muỗi, bình xịt muỗi... /..

 

N.S

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực