Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Đã có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức

Thứ sáu, 17/11/2017 20:02
(ĐCSVN) - Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề thông tin mạng xã hội đang lấn át thông tin báo chí; bảo vệ trẻ em trước thông tin mạng xã hội độc hại; quản lý mạng xã hội…

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn
tại hội trường Quốc hội chiều 17/11. (Ảnh: Bích Liên)

Nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng

Trả lời câu hỏi của  đại biểu (ĐB) về tình trạng thông tin trên mạng lấn át thông tin trên báo chí, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay: Thực tế thông tin trên mạng xã hội không lấn lướt thông tin trên báo chí, nhưng tốc độ truyền tin trên mạng xã hội áp đảo so với báo chí. Người dân lấy thông tin báo chí để khẳng định thông tin đúng, thông tin trên báo chí đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, do luật pháp của chúng ta chưa đủ chế tài để xử phạt dẫn đến còn lúng túng trong việc xử lý. "Thực tế có nhiều trường hợp biết rõ danh tính, địa chỉ người dùng nhưng chúng ta chưa truy cứu trước pháp luật. Một vấn đề nữa là cùng một vi phạm, có lúc người này bị xử lý, người khác không bị xử lý”, Bộ trưởng cho biết.

Nói về an ninh mạng hiện nay, theo Bộ trưởng: Tình hình tấn công mạng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hết tháng 10/2017, có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau... Về nguyên tắc, không có hệ thống nào an toàn lâu dài. Vì vậy, công tác an ninh phải được thường xuyên thực hiện.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện có 51% cơ quan, tổ chức chưa phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố. 73% cơ quan, tổ chức chưa trang bị bảo đảm quy chuẩn an ninh thông tin mạng. Nhận thức bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng chưa đầy đủ. Qua đó cho thấy, nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng, chưa thu hút được các nhân tài do chế độ đãi ngộ hạn chế.

Về vấn đề bảo vệ trẻ em trước thông tin mạng xã hội độc hại, Bộ trưởng nhấn mạnh: Về bản chất, công nghệ internet là mở, tùy thuộc vào động cơ, mục đích của cá nhân, tổ chức để họ đưa thông tin tiêu cực hay tích cực. Internet là môi trường trao đổi thông tin nhanh chóng, thuận tiện. “Đối với trẻ em, tác động tích cực rất rõ ở học tập, giao lưu. Còn tác động tiêu cực là khi internet ngày càng phát triển, xã hội ảo phát triển, nhiều nội dung có tính chất báo động như dâm ô, bạo lực, quấy rối... Do trẻ em còn thiếu kỹ năng, kiến thức nên dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin độc hại”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, một số hành vi phổ biến là gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý khi phát tán phim ảnh, game độc hại; thậm chí, lợi dụng trẻ em để buôn bán chất cấm, buôn bán trẻ em. Hiện Bộ đang tập trung hoàn thiện văn bản pháp luật xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên internet. Tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp giữa gia đình, xã hội, nhà trường khi trẻ em sử dụng internet; khuyến khích các nhà cung cấp nội dung phát triển các chương trình bổ ích cho trẻ em.

Phải khẳng định có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, làm rõ thêm một số vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay: “Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử. Ta phải quyết tâm ứng dụng để xây dựng chính phủ điện tử, không chỉ là biên chế, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp mà trên hết là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng. Môi trường đầu tư của Việt Nam tăng nhiều bậc, có hai lĩnh vực thuế và bảo hiểm (tăng 81 bậc) vì bảo hiểm 3 năm vừa qua làm được hệ thống công nghệ thông tin quản lý”.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta chưa nhận thức rõ nguy cơ mất an toàn thông tin. Theo khảo sát ở một số nước, các nước cứ đầu tư cho CNTT 100 đồng thì đầu tư 15-21 đồng cho an toàn thông tin. Còn với Việt Nam, theo khảo sát là khoảng 5%.

Bên cạnh đó, lực lượng chuyên được đào tạo kiến thức an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam còn ít. Hiện có khoảng 500 cán bộ chuyên trách chính thức về an toàn thông tin ở các cơ quan nhà nước. Trong khi, ở Trung Quốc là 40.000, Mỹ, Đức khoảng 15.000 - 20.000.

“Người dân Việt Nam về cơ bản “dễ dãi” khi không nhận thức được nguy cơ, như điện thoại có bất cứ gì đến đều bấm vào ngay không cần đọc kỹ thông điệp nên khi ứng dụng thì không biết thông tin cá nhân bị thu thập và thông tin đó hoàn toàn có thể bị lợi dụng. Bởi vậy, Việt Nam phải khẳng định có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin. "Phải nhận thức rủi ro, chuẩn bị lực lượng, xây dựng hệ thống cảnh giới; khi có sự cố thì phải có khả năng ứng phó”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực