Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam vẫn ở mức báo động

Thứ ba, 21/11/2017 18:58
(ĐCSVN) - Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VI năm 2017 với chủ đề "Phòng chống các bệnh không lây nhiễm".

Phát hiểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam là nguyên nhân gây tử vong cao, gánh nặng bệnh tật và kinh tế - xã hội. Để khống chế và đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm, Việt Nam đã có Chiến lược phòng chống các bệnh không lây nhiễm và Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tỷ lệ các bệnh này ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường, đô thị hóa, do lối sống của người dân...

Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VI năm 2017 với chủ đề "Phòng chống các bệnh không lây nhiễm". Ảnh: ĐT

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị của Tổng hội Y học Việt Nam với chủ đề đang rất nóng hiện nay là "Phòng chống các bệnh không lây nhiễm". Hội nghị là kết tinh của nhiều báo cáo của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực 5 bệnh (tim mạch, hô hấp, ung thư, nội tiết - đái tháo đường và dinh dưỡng) để phòng chống các bệnh không lây nhiễm trên cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu cần tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm những vấn đề như: Những tác nhân là gia tăng các bệnh không lây nhiễm (như: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực...); các nghiên cứu, triển khai các chương trình giám sát, chăm sóc sức khỏe, nâng cao sức khỏe, quản lý các yếu tố nguy cơ; sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm; yếu tố tài chính, gánh nặng về chi phí y tế; sự phối hợp giữa Tổng hội Y học Việt Nam, các hội thành viên giữa trung ương và địa phương, ngành y tế với các ngành khác để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân...

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nêu rõ: Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế. Dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra.

Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam; cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mãn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp; gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mãn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.

Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Mặc dù ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng tình trạng gia tăng các bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động. Nguyên nhân của thực trạng này là do người dân chưa có ý thức phòng bệnh. Cụ thể là: vẫn còn 45% dân số là nam giới hút thuốc lá; 77% dân số uống rượu; số người thừa cân béo phì không ngừng tăng... Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch được phát hiện và quản lý điều trị thấp...

Tại Hội nghị, với khoảng 37 báo cáo tập trung vào 5 chuyên đề: Tim mạch, hô hấp, ung thư, nội tiết - đái tháo đường và dinh dưỡng, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh các nội dung như: "Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm"; "Hiện trạng các yếu tố nguy cơ tim mạch ở Việt Nam"; "Tình hình bệnh ung thư và công tác khám chữa bệnh ung thư tại Việt Nam".../.  

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực