Cách phòng, chống bệnh bạch hầu

Thứ ba, 09/07/2024 16:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hiện đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu tại tỉnh Nghệ An và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang khiến nhiều người lo lắng. Chuyên gia y tế đã hướng dẫn cách phòng, chống bệnh này.

Bạch hầu dễ lây qua đường hô hấp

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Tiêm vắc xin đầy đủ là cách phòng, chống bệnh bạch hầu. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, thường xuất hiện tản phát hoặc gây ra các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi do không được tiêm vắc xin hoặc chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bằng vắc xin.

Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.

Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.

Tại Việt Nam, trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.

Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Đau họng là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu. Ảnh: AFP 

Bệnh đã có vắc xin, thuốc điều trị

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu.

Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004-2019).

Năm 2020, số ca mắc bệnh bạch hầu có gia tăng ở nước ta, ghi nhận 226 trường hợp mắc, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị và giảm trong các năm 2021 (có 6 trường hợp mắc) và năm 2022 (có 2 trường hợp mắc).

Năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong các tháng 1, 2 và 4/2024, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh).

Phòng bệnh bạch hầu

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vắc xin đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể.  Người lớn có thể tiêm phòng mũi nhắc lại bạch hầu trước năm 65 tuổi.

Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vaccine phòng bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) khi trẻ 2 tháng tuổi.

Mũi 2: Tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib khi trẻ 3 tháng tuổi.

Mũi 3: Tiêm vắc xin DPT - VGB - Hib khi trẻ 4 tháng tuổi.

Mũi 4: Tiêm vắc xin DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván) khi trẻ 18 tháng tuổi.

Tại các địa phương nguy cơ cao, trẻ 7 tuổi cần tiêm nhắc mũi thứ 5 với vắc xin bạch hầu giảm liều-uốn ván (Td).

Nguy cơ xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại Nghệ An

Sau khi có ca bệnh đầu tiên tử vong do bệnh bạch hầu, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Bệnh nhân là một phụ nữ 18 tuổi, cư trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Sau khi điều tra dịch tễ, ngành Y tế tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn đã xác định được 119 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân này.

119 người này thường trú tại hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, trong đó có 2 người đã rời khỏi địa phương và đi làm việc tại tỉnh Bắc Giang.  Hiện tại, có một người có triệu chứng đau họng và kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu.

Còn ca bệnh tại Bắc Giang, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, ngày 7/7/2024, trường hợp M.T.B, 18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu (đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Theo điều tra ban đầu, trong lịch trình di chuyển từ ngày 1/7/2024 đến ngày 6/7/2024, ngoài một số quán karaoke trên địa bàn huyện Hiệp Hòa; ca bệnh có di chuyển đến quán karaoke 1990, địa chỉ: thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội vào khoảng 19h30 đến 23h00’ ngày 4/7/2024. Cơ quan chức năng đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của 15 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân.

Được biết, 134 người tiếp xúc gần với hai bệnh nhân trên đã được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực