Những ngày cuối tháng 6, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Lương Khánh Thiện và Minh Khai, thành phố Phủ Lý với 14 ca mắc. Ngay khi phát hiện các ca bệnh, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý phối hợp các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch. Hàng loạt biện pháp được triển khai đồng bộ như giám sát, điều tra các ca bệnh nghi ngờ, nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch, giám sát véc-tơ sốt xuất huyết; chủ động phun hóa chất diệt muỗi khu vực tổ 6, tổ 7 phường Lương Khánh Thiện; vận động người dân tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm.
|
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra, giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý. (Ảnh: Mậu Ngọ).
|
Đồng thời, ngành Y tế và chính quyền cơ sở đã tích cực tổ chức phối hợp tuyên truyền cho người dân trên hệ thống loa truyền thanh về các biện pháp phòng bệnh như: ngủ phải nằm màn, vệ sinh môi trường nơi ở bảo đảm thông thoáng, diệt bọ gậy, không để các vật dụng có chứa nước tù đọng lâu ngày; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị…
Chị Nguyễn Thu Hà ở tổ 6, phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý cho biết: “Thực hiện nội dung vận động của chính quyền, chúng tôi đã chủ động tổng vệ sinh, phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy, khắc phục các vị trí nước tù đọng lâu ngày… để giảm thiểu nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát. Từ đó, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Thực tế, từ đầu năm 2022 đến nay, không chỉ riêng Hà Nam mà số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã tăng cao ở khá nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ tính đến trung tuần tháng 6 vừa qua, theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là gần 48.000 trường hợp (tăng khoảng 97% so với năm 2021), số ca tử vong tăng 24 trường hợp. Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc sốt huyết chiếm 50% số tích lũy từ đầu năm, số tử vong chiếm 45% số tích lũy từ đầu năm đến nay. Dịch sốt xuất huyết đang tiềm ẩn nguy cơ có thể bùng phát ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phía Nam như Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh…
|
Điều trị sốt xuất huyết tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hải Yến). |
Theo các chuyên gia, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn. Theo TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ: "Qua thảo luận cùng các chuyên gia, nguyên nhân ban đầu chủ yếu do người dân còn khá chủ quan với sốt xuất huyết. Các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tự đến các cơ sở y tế tư nhân, cho đến khi chuyển nặng mới nhập viện".
Về mặt y học, bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết ít có trường hợp tử vong. Song, do hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người mắc có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay đang là cao điểm dịch, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, để ngăn chặn sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, các địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Trước hết, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt… Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, nhiều nhà trọ, các khu vực nhiều ao tù, nước đọng...
Ngành Y tế các địa phương cần phát huy vai trò nòng cốt, thường xuyên giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và xem xét việc tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Cùng với đó, cần tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến; tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch... cho cán bộ y tế dự phòng.
Mặt khác, để hạn chế việc gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là trẻ em, từng gia đình cần loại bỏ tâm lý chủ quan; tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như: mắc màn khi ngủ, vệ sinh môi trường nơi ở bảo đảm thông thoáng, diệt bọ gậy, loại bỏ các vật dụng có chứa nước tù, đọng lâu ngày… Thực hiện tốt khẩu hiệu “2 không” (Không có nước đọng; không có loăng quăng, bọ gậy” để phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục 2 - 7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi,... cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, vấn đề quan trọng hàng đầu đó là mỗi người dân cần đề cao ý thức trách nhiệm; chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đó là cách tốt nhất để đẩy lùi nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng./.