Chất lượng không khí ở nhiều nơi vẫn ở ngưỡng xấu

Thứ sáu, 22/01/2021 10:04
(ĐCSVN) – Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường), trong các tháng đầu năm 2021, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra.
 
Hiện tượng sương mù dày đặc diễn ra tại nhiều nơi vào sáng ngày 21/1. (Ảnh: Bích Liên)

Trong các ngày 20-21/1 và dự báo những ngày tiếp theo chất lượng không khí sẽ tiếp tục ở ngưỡng xấu. Cụ thể, tại Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Hòa Bình, đặc biệt tại Hà Nội bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông, không khí ô nhiễm nặng, một số nơi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức nguy hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ô nhiễm tập trung cao vào đêm và sáng, có nhiều ngày ô nhiễm kéo dài cả ngày do tình trạng sương mù dày duy trì nên không có nắng, trời lặng gió.

Cụ thể, chiều ngày 21/1, hơn 10 điểm đo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng rất xấu – một trong những ngày ô nhiễm nhất từ đầu mùa. Hai ngày qua, TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào buổi sáng.

Theo nhận định của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, đợt ô nhiễm không khí này có thể kéo dài đến ít nhất đến đầu tuần tới, khi nước ta đón một đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. Mức độ ô nhiễm được nhận định sẽ duy trì ở ngưỡng xấu, rất xấu, thậm chí nguy hại ở một số điểm đo.

Đáng lưu ý, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, những khu vực vốn rất ít ghi nhận ô nhiễm không khí, cũng bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong hai ngày qua, ở ngưỡng xấu, một số điểm rất xấu, theo ghi nhận của PAM Air và hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ. Cả ngày hôm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn ở ngưỡng xấu, có những thời điểm xấp xỉ ngưỡng rất xấu tại điểm đo của Đại sứ quán Mỹ. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa có hệ thống quan trắc không khí cố định, liên tục của cơ quan chức năng.

Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong các tháng đầu năm 2021, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn khi không khí ô nhiễm.

Đánh giá về tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tiềm năng ngày 21/1 và trong ba ngày từ ngày 22-24/1 tại các tỉnh, thành phố trên cả nước ở mức trung bình đến rất cao, tập trung từ khoảng 11-13 giờ hằng ngày.

Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.

Cụ thể, Hà Nội ngày 21/1, chỉ số UV cực đại nằm ở ngưỡng 4, ngưỡng có mức gây hại trung bình. Mức cường độ UV từ ngày 22-24/1 ở Hà Nội cũng như các thành phố tại khu vực Bắc Bộ sẽ ít thay đổi, chủ yếu ở ngưỡng gây hại trung bình.

Các thành phố khu vực Trung Bộ gồm: Huế (Thừa Thiên Huế), thành phố Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) có mức chỉ số UV cực đại ngày 21/1 khoảng 5-7, mức có nguy cơ gây hại cao. Ngưỡng chỉ số UV sẽ còn duy trì trong hai ngày 22-23/1, đến ngày 24/1 sẽ có xu hướng tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức có nguy cơ gây hại cao đến cơ thể người.

Các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ đến Nam Bộ vẫn là nơi có chỉ số UV cao nhất, ở mức khoảng 8-9 trong ngày 21-22/1. Mức chỉ số UV có xu hướng giảm đi trong ngày 23/1 và tăng trở lại vào ngày 24/1.

Theo các chuyên gia, việc tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần phòng tránh tác hại của tia UV bằng cách mặc quần áo dài tay tối màu, có khả năng chống nắng, đội mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm có tròng kính chống nắng để bảo vệ mắt, bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực